Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chia sẻ kết quả khảo sát về vấn đề người lao động đi làm việc gặp phải trong quá trình làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Khảo sát được tiến hành tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Ngãi từ tháng 8 - 9/2016. Khảo sát này nằm trong khuôn khổ “Dự án nghiên cứu nhằm tăng cường bảo vệ quyền cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc” do Quỹ Châu Á hỗ trợ.
Khảo sát cho thấy, đa số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài xuất thân từ nông thôn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thấp; ít thông tin và hiểu biết về văn hóa, pháp luật thuộc lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thiếu thông tin về thị trường lao động ở nước đến; ngoại ngữ yếu; kỷ luật lao động và tác phong làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp, công nghệ cao.
Cụ thể, theo khảo sát: 75% người lao động không biết đơn vị tuyển dụng hợp pháp; 72% người lao động không có thông tin đầy đủ về điều kiện làm việc nơi đến; hầu hết (91%) người lao động không biết đầy đủ các khoản chi tiết chi phí cũng như mức quy định đối với tiền môi giới và dịch và các khoản bồi hoàn; 45% người lao động không biết tìm kiếm thông tin tin cậy từ đâu…
Bên cạnh đó, 76% người lao động không biết về các thủ tục, giấy tờ cần thiết để được làm việc hợp pháp ở nước ngoài; 75% lao động không biết về quyền được giữ hộ chiếu trong quá trình làm việc ở nước ngoài; gần nửa lao động không biết bất một cơ quan/tổ chức/cá nhân nào có thể hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc ở nước ngoài; 78% không biết bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng lao động.
Ông Michael Di Gregorio, Trưởng đại diện Qũy châu Á tại Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề di cư lao động an toàn ngày càng trở nên quan trọng khi sắp tới Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do trong khu vực và khi đó sự di chuyển lao động trong khu vực sẽ ngày càng gia tăng. "Nhiều bằng chứng cho thấy rằng xuất khẩu lao động là một phương thức hữu hiệu giúp lao động Việt Nam có cơ hội việc làm và giúp thoát nghèo, đóng góp gia tăng dòng tiền ngoại hối gửi về nước. Song, quá trình di cư của họ từ khâu tuyển dụng, đưa đi cho đến khi về nước cũng là một hành trình đầy gian nan như gặp rủi ro bị bóc lột, lạm dụng sức lao động thậm chí là nạn nhân của nạn buôn bán người. Nguyên nhân là có quá nhiều nhân tố tham gia vào quá trình tuyển dụng do người lao động có hiểu biết hạn chế về chương trình và thủ tục kinh nghiệm ra nước ngoài làm việc", ông Michael Di Gregorio cho biết thêm.
Khảo sát cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất để tăng cường những hoạt động hiệu quả của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền lợi người đi xuất khẩu lao động… Đáng chú ý, các vấn đề liên quan đến “Hoạt động của công đoàn địa phương trong việc tư vấn, giám sát giúp đỡ người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tái hòa nhập cộng đồng khi trở về” rất được quan tâm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong những năm qua, Liên đoàn Lao động của các địa phương và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, qua đó, đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp cho nhiều lao động ở địa phương có cơ hội thoát nghèo nhanh và bền vững.
Trần Huyền