Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc đã nhận định, khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới trong đó có Việt Nam. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long… Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam với diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm, chưa kể nguồn lực lớn cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.
Theo thống kê hiện nay diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất tự nhiên cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ vẫn còn rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại địa bàn một số tỉnh miền Trung.
Năm 2018, VNMAC đã công bố được bản đồ ô nhiễm bom mìn Việt Nam. Theo đó, 10 tỉnh thành miền Trung là địa bàn có mức độ ô nhiễm bom mìn nặng nhất. Một số xã ở Quảng Trị hay Quảng Bình diện tích đất canh tác bị nhiễm bom mìn có nơi lên tới trên 80%. Trên thực tế, từ sau năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người tử vong, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân đều là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Trong quá trình khắc phục hậu quả bom mìn, Việt Nam đã nhận được nhiều sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế. Riêng năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 20 triệu USD để VNMAC (cùng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan) tiến hành khảo sát, xây dựng một đề án để nâng cao năng lực, hỗ trợ kĩ thuật, tập trung rà phá bom mìn ở một số tỉnh trọng điểm ô nhiễm bom mìn. Đã có 50 nhân viên VNMAC được tài trợ, huấn luyện về công tác rà phá bom mìn đạt chuẩn quốc tế…Về công tác hỗ trợ nạn nhân chịu hậu quả của bom mìn, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 418 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, có 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom mìn) và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt, mạng lưới này cung cấp các dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật.
Theo Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhiều giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ được thực hiện. Theo đó, Trung tâm cơ sở dữ liệu bom mìn quốc gia sẽ được thành lập và triển khai đưa vào chi nhánh cấp vùng, tại một số tỉnh đi vào hoạt động theo đúng chức năng. Hoàn thiện Hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu nạn nhân bom mìn toàn quốc; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các nạn nhân bom mìn; hỗ trợ sinh kế học nghề cho các nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hoạt động nhằm tăng cường năng lực cho địa phương trong công tác trợ giúp nạn nhân bom mìn: Hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn trợ giúp nạn nhân bom mìn với tối thiểu 10 Trung tâm Công tác xã hội.
Các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng sẽ được tăng cường, bao gồm hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho nạn nhân bom mìn, phù hợp với năng lực đặc điểm thể chất và nhu cầu của thị trường lao động; hỗ trợ nạn nhân bom mìn tìm kiếm việc làm phù hợp tại nơi cư trú sau khi đã tốt nghiệp khóa học...
Cùng với đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến ký kết triển khai tài trợ quốc tế từ Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cá nhân người nước ngoài, cá nhân tổ chức trong nước hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn./.
Trần Huyền