Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Các hoạt động nghĩa tình của Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh
03:34 PM 13/12/2019
(LĐXH) – Những năm qua, các cấp hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực để chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho những người đã hy sinh xương máu giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Đồng chí Đàm Huy Đắc - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, thời gian qua, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo đến cấp cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực để chăm lo, đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ, Người có công, giúp họ có cuộc sống ổn định, vơi bớt đi nỗi đau mất mát”. Đồng thời, tham mưu đề xuất với các cấp chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chăm sóc, tu sửa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ tại các địa phương; tham gia vận động đóng góp kinh phí xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hội viên CCB nghèo, gia đình chính sách có hoàn khó khăn.
Đoàn CCB tỉnh Quảng Ninh viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Trong 2 năm (2018-2019), các cấp Hội CCB trong tỉnh đóng góp 1,8 tỷ đồng xây mới 30 nhà “Nghĩa tình đồng đội” để kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hội CCB Việt Nam. Mới đây, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Cơ quan Hội CCB tỉnh đã ủng hộ 5 triệu đồng cho chương trình “Tặng thẻ BHYT cho thân nhân nuôi dưỡng nạn nhân da cam bị bệnh nặng”. Hội CCB T.P Uông Bí phối hợp với Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 250 hội viên CCB; Hội CCB T.P Hạ Long tặng 30 suất quà cho gia đình thương binh, liệt sĩ trị giá 15 triệu đồng...
Bên cạnh đó, để giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu, thời gian qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra, khảo sát nắm bắt số hội viên nghèo, cận nghèo nhằm thực hiện chỉ tiêu xóa nghèo. Hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, các cấp hội đã thực hiện phương châm 3 giúp “Giúp giống, vốn - Giúp công - Giúp kỹ thuật” với tổng số vốn được huy động từ nguồn quỹ trên là 770,5 tỷ đồng; giúp 88,6 vạn cây, con giống và 16.765 ngày công lao động. Cùng với đó, các cấp hội đưa ra những giải pháp thiết thực vận động hội viên phát huy phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” dám nghĩ, dám làm, tranh thủ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để CCB vươn lên thoát nghèo. Hay phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương quan tâm hỗ trợ giúp đỡ hội viên CCB tham gia mô hình phát triển kinh tế gắn với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương vươn lên làm giàu chính đáng.
Tính đến nay, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã giới thiệu cho 6.541 hội viên CCB vay vốn phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 245,7 tỷ đồng. Giải ngân 865 triệu đồng cùng 43 dự án đã tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm do Trung ương Hội CCB Việt Nam quản lý. Tổ chức mở lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi ngành nghề cây trồng với 3.760 lượt CCB tham gia.
Mô hình trồng cây ăn quả của CCB CCB Vũ Minh Thường (xã Sơn Dương - Hoành Bồ) 
Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đến nay đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn tỉnh có 87 trang trại, 1.359 gia trại do CCB làm chủ. Nhiều xã, phường  trong tỉnh không còn hội viên nghèo, theo số liệu của Hội CCB tỉnh, năm 2012 toàn tỉnh có 1.261 hội viên CCB nghèo, nhưng đến năm 2018 số hội viên nghèo chỉ còn 324 hộ. Trong khi đó, số hộ khá, hộ giàu là 30.301 hộ (đạt 54,25% tổng số hội viên); số hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 7.701 hộ (đạt 12,8% tổng số hội viên).
Từ phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng chí, đồng đội, thúc đẩy các hoạt động nghĩa tình tương thân, tương ái. Nhiều mô hình vườn mẫu đang được CCB tham gia xây dựng ở các địa phương thu hút hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phải kể đến mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu mang lại hiệu quả cao của CCB Vũ Minh Thường (xã Sơn Dương - Hoành Bồ). Sinh năm 1955 tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), 18 tuổi nhập ngũ và đến năm 1978 ông Thường phục viên, đưa gia đình đến thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương, làm kinh tế mới. Được chính quyền cấp cho 5ha đất đồi, ngoài trồng keo, số diện tích đất ở vùng thấp ông Thường đưa vào trồng một số loại cây ăn quả, như: Thanh long ruột đỏ, ổi Đài Loan, bưởi da xanh... Bên cạnh đó, ông còn nuôi hơn 200 con gà theo phương thức chăn thả tự nhiên. Sau 10 năm phát triển mô hình trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi, mỗi năm gia đình ông Thường thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Ngoài mô hình trên thì không thể không nói đến mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao của CCB Lê Hồng Thắng, xã Thống Nhất, từ trồng na mỗi năm cho thu nhập 700 triệu đồng; hay Công ty CP Bình Thuận (khu 8, thị trấn Trới) của CCB Nguyễn Bá Trượng, chuyên chế biến lâm sản, đang tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, mỗi năm doanh thu 50-70 tỷ đồng, nộp nghĩa vụ thế nhà nước 5-7 tỷ đồng/năm... Hiện nay, huyện Hoành Bồ có 6 HTX, 13 doanh nghiệp, 124 trang trại, gia trại do chính hội viên Hội CCB trực tiếp tham gia. Và là một trong những địa phương có phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” hiệu quả nhất tỉnh./.
Cảnh Minh
TAG:
Tin khác
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững