Cả nước đã thành lập gần 3.000 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau
(LĐXH)- Đến cuối tháng 12/2017, cả nước hiện có có 40 tỉnh, thành phố xây dựng được 1.296 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016 - 2017. Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tổ chức quốc tế như HelpAge International, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ngân hàng Thế giới (WB); Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam; Uỷ ban MTTQ Việt Nam và các Uỷ viên Ban Chấp hành 63 tỉnh, thành phố, lãnh đạo các ban, Văn phòng Trung ương Hội.
Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Đến cuối tháng 12/2017, cả nước hiện có có 40 tỉnh, thành phố xây dựng được 1.296 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, trong đó hơn 900 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã được thành lập từ trước khi triển khai Đề án 1533, phần lớn do các dự án tài trợ ở một số tỉnh hoặc do các tỉnh tự nhân rộng.
Ngoài ra có một số tỉnh đã thành lập CLB Liên thế hệ tự giúp nhau nhưng chưa được Trung ương hoặc Dự án tập huấn. So với chỉ tiêu giai đoạn 1 của Đề án là duy trì và thành lập 1.200 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, số đã thành lập 1.296 CLB, vượt hơn 8%. Phần lớn các CLB mới thành lập đã bám sát hướng dẫn, tiêu chí và yêu cầu của mô hình. Qua thực tế triển khai, mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã được khẳng định là mô hình xóa đói nghèo bền vững, hiệu quả, sân chơi bổ ích của NCT.
Theo chỉ tiêu giai đoạn 2018 - 2020: Xây dựng và duy trì hoạt động khoảng 2.000 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại ít nhất 45 tỉnh, thành phố (có ít nhất 100.000 thành viên, trong đó có 65.000 NCT tham gia).
Bà Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đã được minh chứng là một mô hình bền vững, hiệu quả, có tác dụng đa chiều cả về chăm sóc, cả về phát huy, đáp ứng nhu cầu đa dạng của NCT. Chủ tịch tin tưởng sau Hội nghị, các địa phương sẽ tiếp tục tham mưu với cấp uỷ, chính quyền, cố gắng vượt qua khó khăn về huy động nguồn lực, tài chính để triển khai Đề án một cách chất lượng, hiệu quả, đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày về tác động của mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau - bằng chứng từ thực tiễn. Một số tham luận chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh: Lai Châu, Thanh Hoá, Bạc Liêu, Ninh Bình về công tác xây dựng Đề án tỉnh và nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau.
Phó Chủ tịch Thường trực Đàm Hữu Đắc trao Kỷ niệm chương cho các cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam
Các đại biểu đã tích cực thảo luận một số khó khăn trong quá trình xây dựng, phát triển mô hình, bàn biện pháp trong quá trình triển khai Đề án như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí, tập huấn ban quản lý CLB, các nguồn lực hỗ trợ ban đầu để triển khai thí điểm mô hình CLB tại các địa phương và nêu một số kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Để đạt được các mục tiêu của Đề án, các đại biểu nêu lên sự cần thiết của việc đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến, thay đổi nhận thức và hành động đối với cán bộ Hội, cấp ủy, chính quyền các cấp; lựa chọn các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB có trình độ, tâm huyết, nhiệt tình. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan, bám sát các quy định của Đề án để vận động nguồn lực...
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Trung ương Hội tặng Bằng khen cho cán bộ, hội viên Hội NCT tỉnh Thanh Hoá và ông Trần Ngọc Quyền, cố vấn chương trình của Tổ chức hỗ trợ NCT Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương đã có có thành tích xuất sắc trong triển khai nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau; tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam” cho 11 cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT Việt Nam./.
PV
TAG: