Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Cả nước có trên 44.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài
08:48 AM 14/06/2017
(LĐXH)- Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 5 tháng của 2017, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã đưa được 44.334 lao động xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đa số lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động tập trung ở thị trường Nhật Bản (17.454 lao động), Đài Loan (21.739 người)... trong đó, lao động sang thị trường Đài Loan có xu hướng giảm so cùng kỳ năm 2016.
Thi tuyển thực tập sinh Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, cho biết: Với tốc độ đưa lao động hơn 10.000 lao động như trong tháng 4 và 5 vừa qua, dự kiến hết 6 tháng, các doanh nghiệp sẽ đưa được khoảng hơn 55.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan giảm hơn 1.000 lao động so với cùng kỳ là do Luật số 52 của Đài Loan bắt đầu có hiệu lực, trong đó có quy định lao động nước ngoài khi hết hạn hợp đồng lao động ở Đài Loan có thể gia hạn tại chỗ (trước đây, lao động hết hạn hợp đồng phải về nước và tham gia hợp đồng mới).
Qua theo dõi đã có một số lượng lớn lao động Việt Nam gia hạn hợp đồng tại chỗ với các doanh nghiệp Đài Loan, nên đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng lao động mới không gia tăng.
Đào tạo nghiệp vụ giúp việc gia đình cho lao động Việt Nam sang Đài Loan
Đối với thị trường Ả rập Xê út, các doanh nghiệp đã đưa hơn 10.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình, xây dựng. Do đặc thù của lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út là không mất chi phí, thậm chí, các công ty môi giới của Ả rập Xê út còn thu phí từ chủ sử dụng để chuyển cho người lao động, thông qua công ty xuất khẩu lao động ở Việt Nam nên nhiều hợp đồng lao động, người lao động được nhận tới 20 - 30 triệu đồng trước khi xuất cảnh. Chính vì vậy, điều này cũng phần nào tạo sự chủ quan cho người lao động khi cho rằng cứ nhận lời làm công việc này để có số tiền ứng trước, gây ảnh hưởng phần nào tới ý thức, trách nhiệm với công việc sau này.
Nhưng khi có sự việc phát sinh do nhiều nguyên nhân, người lao động đòi về nước là tương đối khó khăn và nhiều trường hợp chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do quy định xuất cảnh của lao động tại Ả rập xê út đòi hỏi phải có thủ tục exit visa, nếu chủ sử dụng lao động hoặc công ty môi giới không hợp tác, việc xin exit visa cho người lao động về nước sẽ gặp vướng mắc.
Liên quan tới công tác thanh kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động, từ đầu năm 2017 tới nay, Thanh tra Bộ Lao động - TBXH đã thực hiện công tác thanh, kiểm tra ở 39 doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong cả nước. Sau thanh kiểm tra, ngoài việc ban hành 21 quyết định xử phạt, Bộ Lao động - TBXH còn ban hành 292 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện khắc phục sai phạm.
Chỉ tính riêng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đã lên tới 2,675 tỉ đồng, Bộ Lao động - TBXH cũng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của 5 doanh nghiệp, ban hành quyết định thu giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của 5 công ty.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật