Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tạo điều kiện tốt nhất trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề
07:04 PM 13/04/2022
(LĐXH)- “Chúng ta phải tạo điều kiện tốt nhất cho người sử dụng lao động và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Bởi đây là một chính sách rất nhân văn và chưa có tiền lệ, nó không chỉ chống thất nghiệp, mà còn là để chuyển đổi công việc, để nâng cao năng suất lao động và giữ chân người lao động…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ngày 13/4, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, doanh nghiệp để đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 1/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Lê Tấn Dũng; lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cục, vụ liên quan thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh, thành phố cùng một số doanh nghiệp, Tập đoàn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Một chính sách rất quan trọng
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cho biết: Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ là một chính sách rất quan trọng. Do đó, hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong việc triển khai chính sách này. Trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động trong thời gian tới…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thêm một lần nữa khẳng định đây là một chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ
Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, thông tin: Việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa, tác động lâu dài, giúp người sử dụng lao động, người lao động chủ động về nhân lực trong việc thay đổi công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch bệnh; kịp thời thích ứng với sự thay đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời, giảm bớt khó khăn về tài chính để đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động; giảm số lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ bị mất việc làm do thay đổi sản xuất, công nghệ. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tính đến hết tháng 3/2022, theo báo cáo của các địa phương, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng, trong đó 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng. Vùng Đông Nam bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5.000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 02 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50 ngàn người (công ty CP Pousung Việt Nam, công ty Co Teawang vina)); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của 13 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 30 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho trên 3.200 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng. Địa phương có quyết định phê duyệt cao nhất là Hà Nội với 05 đơn vị, 936 lao động, Quảng Bình 04 đơn vị, 418 lao động. Một số địa phương mặc dù có số lượng doanh nghiệp ít nhưng đã ban hành quyết định hỗ trợ cho người sử dụng lao động như: Cao Bằng (4 đơn vị), An Giang (4 đơn vị) Thái Bình (1 đơn vị với hơn 600 lao động)...
Vẫn còn một số địa phương chậm triển khai
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, Tập đoàn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tập trung thảo luận, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng báo cáo kết quả thực hiện chính sách
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết: Triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động, thành phố đã ban hành rất cụ thể về hỗ sơ, thủ tục, giải quyết thủ tục trong 7 ngày và cơ quan bảo hiểm trong 2 ngày. Thành phố đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền đến người lao động, chủ sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành chỉ thị riêng để chính sách nhanh chóng được hiểu đúng và triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động tiếp cận với doanh nghiệp, xây dựng phương án đào tạo và hoàn thành thủ tục hồ sơ. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội còn họp trực tiếp trực tuyến với DN để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và họp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hướng dẫn thực hiện.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, Hà Nội mới có 60 doanh nghiệp, 15 hồ sơ, tương ứng với hơn 900 lao động. So với 250 nghìn doanh nghiệp, trong đó 60 - 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ thì con số đề nghị hỗ trợ vẫn còn khá thấp...” - Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Nhàn, chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội trao đổi tại hội nghị
Còn đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang, trao đổi: Đến nay, tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ 5 doanh nghiệp đào tạo cho 1.142 lao động. Đạt được kết quả đó là có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo cho người lao động, trong đó có sự phối hợp thông suốt giữa ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thẩm tra hồ sơ… Thời gian tới, An Giang sẽ quyết liệt triển khai chính sách này và sắp tới sẽ hỗ trợ 4 doanh nghiệp với khoảng 1.000 lao động…
Đại diện Tổng Công ty May 10 trao đổi kinh nghiệm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ
Bên cạnh nhiều tỉnh, thành triển khai thực hiện hiệu quả chính sách này, vẫn còn không ít địa phương chậm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Nguyên nhân các địa phương đưa ra là do thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh; một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm; một số nơi việc xác nhận BHTN còn khó khăn do cách hiểu khác nhau về thời gian đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động…
Khâu quan trọng và quyết định là tổ chức thực hiện
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan bảo hiểm xã hội, ngân hàng chính sách xã hội, chúng ta đã đạt những kết quả đáng mừng, góp phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an sinh và an toàn xã hội. Nhiều kết quả thiết thực, về cơ bản đều đạt và vượt, không để xảy ra tình trạng trục lợi, vi phạm chính sách. Những kết quả đạt được trong triển khai các nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đã góp phần rất quan trọng vào việc sớm khôi phục và ổn định thị trường lao động.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình trao đổi về một số ý kiến của địa phương
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Đến nay, nhiều doanh nghiệp, người lao động cũng hồ hởi, trường nghề cũng phấn khởi khi các địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ này. Đặc biệt, người lao động được chuyển việc, nâng cao kỹ năng tay nghề cũng thấy phấn khởi.
“Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì đây là chính sách chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Qua ý kiến thảo luận tại hội nghị, nổi lên một số nguyên nhân như: sự vào cuộc của các cơ quan, của một số địa phương, kể cả trong ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chưa thực sự tốt khi còn tồn tại tư tưởng “cái gì dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh. Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề. Ngoài ra, nguyên nhân một phần vì quá trình triển khai chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước; một phần vì còn tồn tại tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra của chính các doanh nghiệp, người sử dụng lao động”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Đào tạo nghề, vừa để chống thất nghiệp, vừa để chuyển đổi công việc, vừa để nâng cao năng suất lao động, vừa là giữ chân người lao động. Tinh thần là như thế, chứ không phải đơn thuần là chuyển đổi công việc. Do đó, khâu quan trọng và quyết định ở đây là việc tổ chức thực hiện.
Ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An phát biểu tại hội nghị
Thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc 5 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản đó là:
Thứ nhất, trước mắt cần tập trung, làm thật tốt, phê duyệt tất cả các hồ sơ từ nay cho đến 30/6/2022. Nơi nào đã nhận hồ sơ rồi, đề nghị trong tuần này, tuần sau ngồi lại với nhau, rà soát lại hồ sơ, phê duyệt hồ sơ ngay để cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động triển khai.
Thứ hai, đối với những tỉnh chưa triển khai, cần phải xác định đây là một trong những công việc quan trọng trong hai tháng tới. Do đó, đích thân người đứng đầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo công việc này. Đặc biệt là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nếu cần thiết có thể thành lập một nhóm, tổ để đôn đốc công việc.
Thứ ba, tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, nhất là hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Thứ tư, các cơ sở giao dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp cần coi đây là một cơ hội để đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Các trường nghề chủ động phối hợp với doanh nghiệp, chủ động hỗ trợ cho doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp lập hồ sơ, phối hợp đào tạo bồi dưỡng, phối hợp thanh quyết toán.
Thứ năm, chú trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách. Vướng đâu, vướng gì, không cần phải văn bản nhiều, điện về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm. Nếu đơn vị nào vướng mắc gì vượt quá thẩm quyền, cần thiết thì điện thẳng cho Bộ trưởng, người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sàng lắng nghe để giải quyết cho bằng được những khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Đặc biệt, đối với một số doanh nghiệp lớn đã nộp hồ sơ, yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghề nghiệp và Cục Việc làm trực tiếp vào địa phương, đơn vị hướng dẫn triển khai thực hiện.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ