Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà một số gia đình người có công tiêu biểu tại Hà Nội
08:33 AM 20/07/2021
(LĐXH)- Nhân dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), chiều 19/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà tri ân một số gia đình người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về phía Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo các sở, ngành liên quan cùng lãnh đạo quận, phường – nơi gia đình người có công đang sinh sống.
Tại các gia đình tới thăm, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và cuộc sống của các thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự cống hiến hy sinh xương máu của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp hương tại gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thuyết 
Thông tin về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Năm nay, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trao tặng quà tri ân các thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các sở, ban, ngành của Hà Nội, chính quyền địa phương chú trọng công tác an sinh xã hội, tiếp tục quan tâm chăm lo cho đời sống của gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thành phố ngày một tốt hơn.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà thương binh 1/4 Nguyễn Tường Vĩnh 
Thăm, tặng quà gia đình thương binh 1/4 Nguyễn Tường Vĩnh (sinh năm 1936), trú tại phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: Thương binh Nguyễn Tường Vĩnh là tấm gương sáng, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Dù tuổi cao sức yếu nhưng ông luôn yêu đời, sống tích cực, chấp hành tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác rất xúc động khi ông biết ông Nguyễn Tường Vĩnh tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi làm nhiệm vụ vận thương, cứu thương binh tại Sư đoàn 308, Trung đoàn 36. Sau 20 năm tham gia bộ đội, 24 năm giảng dạy tại Trường Hành chính Trung ương (nay là Đại học Lao động - Xã hội) và Vụ Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), ông Nguyễn Tường Vĩnh nghỉ hưu năm 1997.
Bản thân là thương binh nặng, bệnh tật, đau yếu nhưng ông Nguyễn Tường Vĩnh luôn yêu đời, tin tưởng vào Đảng và chính quyền, thường xuyên làm thơ và xuất bản tặng bạn bè, đồng chí.
Xúc động trước sự quan tâm của người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, lãnh đạo thành phố Hà Nội, người thương binh 1/4 Nguyễn Tường Vĩnh đã đọc bài thơ tự sáng tác với tinh thần đầy lạc quan: "Tiểu đoàn trưởng quân hàm trung úy/Sau Khe Sanh được gắn thêm sao/Đánh giặc Mỹ bị thương sọ não/Được huân chương, đại úy chưa trao…".
 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà thương binh Phạm Đình Thi 
Thương binh Nguyễn Tường Vĩnh, chia sẻ: Bị giảm 81% sức khỏe, sọ phải bị trúng đạn đã ảnh hưởng đến chân trái bị teo cơ, phải đi lại bằng nạng nhưng hằng ngày, tôi vẫn làm thơ. Thơ ca là một trong những điều tốt đẹp. Thơ là nạng đỡ dạo chơi. Thơ là tiên dược giúp tôi nhẹ người. Thơ giúp tôi quên đi nỗi đau đang phải mang trên thân thể.
Sau khi lắng nghe và trò truyện cùng thương binh, người đứng đầu Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng chúc ông Nguyễn Tường Vĩnh cùng gia đình trường thọ, tiếp tục là tấm gương sáng cho con, các cháu, hàng xóm noi theo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Thuyết 
“Bác là tấm gương sáng không chỉ trong cộng đồng mà còn là tấm gương sáng ngay cả khi còn đang công tác. Mặc dù điều kiện dịch bệnh khó khăn, song rất mong bác và gia đình cùng bà con vượt qua giai đoạn này” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ân cần nói.
Tại quận Long Biên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã tới thăm hỏi và tặng quà 2 gia đình đối tượng chính sách người có công với cách mạng, gồm: gia đình thương binh hạng 1/4 Phạm Đình Thi (sinh năm 1951) đang sống cùng gia đình tại tổ 18, phường Thượng Thanh; bà Đỗ Thị Hành, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Thuyết (sinh năm 1941, hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía Nam), trú tại tổ 19, phường Thượng Thanh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng tặng quà thương binh Phạm Đình Thi 
Được biết, ông Phạm Đình Thi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, tham gia quân đội từ năm 1970, làm nhiệm vụ giải phóng miền Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Trong quá trình chiến đấu, ông Phạm Đình Thi được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần hỏi thăm sức khỏe các gia đình chính sách
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, ông Phạm Đình Thi được cử đi học về chuyên ngành vũ khí và về công tác tại Viện kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ quốc phòng. Năm 2000, trong một đợt thử nghiệm vũ khí A2 ông bị thương mất mắt phải, cụt tay trái và vết thương ở thành bụng. Năm 2003, sau khi về nghỉ hưu, ông Phạm Đình Thi luôn nỗ lực cố gắng vượt lên bệnh tật, vận động gia đình tham gia các hoạt động của địa phương, nơi cư trú.
Lãnh đạo quận Long Biên tặng quà vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Thuyết 
Thương binh Phạm Đình Thi trao đổi: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp, địa phương, cuộc sống của gia đình tôi cũng cơ bản đầy đủ. Hiện tại, tôi chỉ mong sống vui, khỏe, quây quần bên con cháu…

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch  xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững