Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Quảng Nam cần tạo thêm nhiều bứt phá mạnh mẽ về chính sách an sinh xã hội..."
(LĐXH)- Sáng 13/12, đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam về việc triển khai, thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội.
Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Tổng cục Dạy nghề, Cục Người có công, Cục Bảo trợ và Xã hội, Cục An toàn Lao động, Cục Việc làm, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ. Về phía tỉnh Quảng Nam có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoàng Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở. Nhờ đó mà việc triển khai, thực hiện đường lối, chính sách về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có nhiều thuận lợi, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Là một trong những địa phương có nhiều đối tượng chính sách NCC của của cả nước, song các chính sách đều được tỉnh thực hiện nghiêm túc, công tác xã hội hóa được quan tâm sâu sắc, nhất là việc chủ động ứng tiền để giải quyết nhà ở NCC; toàn tỉnh có 22.363 nhà và đã làm được 11.003 nhà thì tỉnh đã ứng ngân sách để hoàn thành số nhà này, số còn lại cho tỉnh tiếp tục ứng ngân sách địa phương để giải quyết dứt điểm theo Quyết định 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công. Công tác giảm nghèo cũng có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững hiệu quả (tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,8/năm). Trong chiến lược phát triển kinh - tế xã hội, tỉnh có quyết tâm phát triển khu công nghiệp và du lịch, là ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt quan tâm đến đào tạo, dậy nghề cho người lao động, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đào tạo nghề cho bà con dân tộc vùng cao, miền núi; sắp xếp lại các trung tâm dạy nghề, trường nghề và phải gắn với tạo việc làm, thu nhập ổn định. Các chỉ tiêu khác về chăm sóc bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn… đều đạt được những kết quả đáng khích lệ bằng việc hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Quảng Nam có 33.830 người đang hưởng các chế độ chính sách (chiếm 22% dân số) với kinh phí trợ cấp hàng năm khoảng 1.200 tỷ đồng, gồm: trên 65.000 liệt sỹ, 135.000 thân nhân liệt sỹ, hơn 30.000 thương, bệnh binh, hơn 45.000 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 10.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 100.000 người được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại, 5.564 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, gần 14.500 bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó 984 mẹ còn sống)...
Đối với các chính sách an sinh xã hội, trong năm 2016, tỉnh đã mua và cấp gần 400.000 thẻ BHYT đối với người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn, kinh phí 231 tỷ đồng; mua và cấp 57.795 thẻ BHYT đối với người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí 37,139 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 51.817 hộ nghèo, kinh phí 30,468 tỷ đồng. Đồng thời, phân bổ 31,242 tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù về y tế, giáo dục, tín dụng ... Các lĩnh vực bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới... cũng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: Cùng với các chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục có những quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực NCC và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu với tinh thần triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi. Bộ rất hoan nghênh tỉnh đã chủ động ứng ngân sách xây dựng nhà theo Quyết định 22 và sẽ bàn với Bộ khác hoàn tất trả kinh phí ứng. Đồng thời, nhất trí với đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả các đối tượng qua bưu điện, xong không được buông lơi mà phải cùng thực hiện công tác giám sát. Đối với công dạy nghề, tỉnh cần cạnh dạn phân luồng học sinh, phấn đấu đến 2020, có khoảng 30% học sinh THPT học nghề, tiếp tục quan tâm triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững, phải xác định cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có Chương trình mục tiêu nông thôn và giảm nghèo. Công tác chăm sóc giáo dục trẻ em, chú ý đến trẻ em chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em; tăng cường công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai với tinh thần “không đá bóng, không đẩy đưa” mà phải phân công trách nhiệm cụ thể của từng ngành.
Chí Tâm
TAG: