Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phát triển toàn diện và bứt phá mạnh mẽ
(LĐXH)- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH tại hội nghị gặp mặt thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019 vào ngày 11/2.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo nhanh của 63/63 tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan, tính tới thời điểm ngày 09/02/2019 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách có công, chính sách xã hội, hộ nghèo và người lao động trên địa bàn đều được quan tâm, chăm sóc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, các địa phương dành một nguồn kinh phí khá lớn để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng (người có công, người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người lao động...). Tiêu biểu như: thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho 636.821 đối tượng với kinh phí trên 766 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng tặng quà cho 168.003 đối tượng với kinh phí trên 204 tỷ đồng, thành phố Hà Nội tặng gần 1,3 triệu suất quà với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ninh tặng 209.330 đối tượng với kinh phí trên 93 tỷ đồng...
Ước tính kinh phí hỗ trợ Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo khoảng 2.260 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh 762 tỷ đồng, cấp huyện, xã 270 tỷ đồng và nguồn vận động, xã hội hóa 1.227 tỷ đồng. Đặc biệt, ngay trong đêm giao thừa, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã phối hợp với Sở Lao động - TBXH Hà Nội tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình cụ thể đời sống nhân dân, các đối tượng chính sách, các vấn đề phát sinh liên quan đến an sinh xã hội tại khu vực quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, Lăng Bác và một số địa điểm nhạy cảm của thành phố Hà Nội.
Ngoài nguồn lực từ ngân sách các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp cũng có nhiều hoạt động trợ giúp người nghèo ăn Tết, tiêu biểu như Hội Chữ thập đỏ các cấp đã vận động được trên 1.052 tỷ đồng để hỗ trợ 3.296.617 suất quà cho hộ nghèo ăn Tết.
Bên cạnh đó, tình hình lương, thưởng Tết của người lao động cũng được 100% số doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán với mức thưởng bình quân bằng khoảng 1 tháng lương (6,270 triệu đồng/người), tăng 13,4% so với dịp Tết Nguyên đán 2018. Mức thưởng Tết thưởng bình quân của các doanh nghiệp là hơn 10 triệu đồng/người, mức cao nhất thuộc về một ngân hàng có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh với mức thưởng là 1,170 tỷ đồng...
Phát huy tinh thần "Đoàn kết – kỷ cương – sáng tạo và hiệu quả"
Điểm qua các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Ngành trong năm vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Nhìn vào bức tranh tổng quát thì công tác chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, vừa toàn diện, vừa bám sát các trọng tâm, trọng điểm để tạo ra những "cú hích" và đột phá, tạo chuyển động thực sự. Nhiều lĩnh vực của ngành đã để lại dấu ấn tương đối tốt, nhất là tạo chuyển biến trong thị trường lao động, tạo việc làm mới, thị trường lao động ngoài nước, vấn đề đào tạo nghề, thực hiện chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là công tác giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đối với các lĩnh vực khác, khối sự nghiệp, các cơ quan báo chí của Bộ Lao động – TBXH cũng đã tích cực góp phần vào thành công chung trong các lĩnh vực của ngành, được dư luận xã hội ghi nhận đánh giá cao.
"Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đạo đức công vụ. Lấy thước đo sự hài lòng của người dân để đánh giá hiệu quả công việc của từng đơn vị. Bắt đầu trong năm 2019, đánh giá các đơn vị trên tinh thần phải có ý kiến của các địa phương. Trước mắt, Bộ Lao động – TBXH sẽ tổ chức 2 hội nghị tại hai miền (Bắc – Nam) với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cùng Giám đốc các Sở Lao động – TBXH để bàn sâu, bàn kỹ cách thức giải quyết từng công việc, nhiệm vụ mà ngành đã đề ra trong năm 2019. Hội nghị sẽ do Bộ trưởng chủ trì cùng các đồng chí Thứ trưởng, trong đó, tập trung vào 3 trọng tâm chính và 14 nhiệm vụ" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chỉ đạo.
Chí Tâm
TAG: