Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phân bổ kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới
11:14 AM 22/05/2024
(LĐXH)- “Quốc hội tiếp tục quan tâm và giám sát việc phê duyệt, phân bổ kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị.
Sáng 22/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15.
Điểm sáng trong các lĩnh vực về bình đẳng giới
Cụ thể, tính đến cuối năm 2023 có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 03/20 chỉ tiêu đạt một phần, 02 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030; có 12 chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với năm 2022, nội dung cụ thể đã được nêu trong Báo cáo số 237 ngày 16/5/2024 của Chính phủ.
Bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với những năm trước.
Tuy nhiên, có 04 chỉ tiêu còn khoảng cách nhất định so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng; việc thí điểm triển khai cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới còn gặp những khó khăn.

Quang cảnh phiên họp sáng ngày 22/5 (Ảnh: Quang Vinh)

Trong báo cáo của Chính phủ đã đánh giá về 8 kết quả, thành tựu công tác bình đẳng giới trong năm 2023, trong đó nhấn mạnh một số điểm sau:
(i). Lĩnh vực bình đẳng giới ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
(ii). Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Quốc hội, Chính phủ đã chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong luật, pháp lệnh và văn bản dưới luật; nghiêm túc giám sát, đánh giá tình hình thực thi các văn bản chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
(iii). Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường; nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị khối doanh nghiệp, nam giới và thanh niên tham gia tích cực hơn trong công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
(iv). Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các giải pháp thúc đẩy trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nhịp nhàng, hiệu quả.
(v). Các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từng bước phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
(vi). Công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới nói chung và các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngày càng được thực hiện nghiêm túc hơn.
(vii). Nguồn kinh phí cho công tác bình đẳng giới thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai và bố trí kịp thời.
(viii) Công tác bình đẳng giới nói chung và việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 có nhiều tiến bộ. Đến cuối năm 2023 đã có 55% chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 25% chỉ tiêu đạt một phần và tiệm cận so với mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.
Tăng cường giám sát về bình đẳng giới
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 như: Bộ máy quản lý Nhà nước về bình đẳng giới các cấp vẫn hạn chế, đội ngũ cán bộ thường luân chuyển, thiếu ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác này.
Nguồn kinh phí thường xuyên cho công tác bình đẳng giới nói chung, cho việc thực hiện Chiến lược và các chương trình riêng về bình đẳng giới vẫn còn khiêm tốn, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa bố trí được dòng ngân sách riêng.
Có 04 chỉ tiêu còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra và có kết quả thực hiện giảm nhẹ so với năm 2022.
Thiếu các công cụ theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với một số mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược và các chương trình; thông tin về giới ở một số lĩnh vực và dữ liệu vẫn chưa được đồng bộ.
Việc lồng ghép giới trong một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, mang tính hình thức; nguồn lực thực hiện công tác lồng ghép giới chưa được đảm bảo.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong thời gian tới (Ảnh: Quang Vinh)

Chính vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiến nghị với với Quốc hội: Thứ nhất, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tại các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm và giám sát việc phê duyệt, phân bổ kinh phí hợp lý để thực hiện bình đẳng giới và các nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xem xét, thông qua ngân sách, các chương trình đầu tư công.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo cấp cơ sở giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; tăng cường phối hợp trong tham gia xây dựng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về bình đẳng giới; tăng cường vận động nguồn lực, phối hợp triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và các chương trình, đề án thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
9 nhóm giải pháp trọng tâm
Thời gian tới, Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp trọng tâm đó là:
Thứ nhất, tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp, chú trọng bố trí đủ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và triển khai hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bình đẳng giới (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản, tài liệu hướng dẫn và nâng cao năng lực về lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hiệu quả, nhất là qua các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ năm, rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung đối với các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp. Kịp thời nhận diện các vấn đề giới mới nổi để có các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Thứ sáu, xây dựng, lồng ghép Cơ sở dữ liệu thống kê về giới trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; nâng cao chất lượng công tác thống kê, báo cáo về bình đẳng giới.
Thứ bảy, chú trọng công tác truyền thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Thứ tám, tăng cường kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Thứ chín, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bình đẳng giới; thực hiện tốt vai trò Thành viên Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Trần Thắng

TAG: Quốc hội khóa 15
Tin khác
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm mảnh giấy: ‘Em là sinh viên, không nuôi được con’