Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhiều đàn ông cũng bị bạo lực tinh thần, tâm lý
03:48 PM 08/05/2023
(LĐXH)- "Trong bình đằng giới, cần tính ở cả hai phía. Bản thân đàn ông cũng bị mất bình đẳng. Nhiều đàn ông cũng bị bạo lực tinh thần, tâm lý".
Đây là một trong những ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội vào sáng 8/5. Nội dung phiên họp liên quan tới Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.
28,2% chủ doanh nghiệp là nữ giới
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Thị Hà, cho biết: Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, tổng kết 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới; tiếp tục triển khai Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; nâng cao năng lực và hiệu công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.
Kết quả đã có 9/20 chỉ tiêu đã đạt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 và tiếp tục duy trì, thực hiện tốt hơn.
Quang cảnh phiên họp
Cụ thể, tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm là 28,45%, giảm 0,18% so với năm 2021 là 28,63%. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 28,2%.
Tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản là 97,07%, vượt chỉ tiêu đề ra (đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030). Duy trì và đạt tỷ lệ 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Chỉ tiêu tỷ suất sinh ở vị thành niên; tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp; 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 4 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình địa phương đã có chuyên mục, chuyên trang về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được phát sóng định kỳ cũng đạt được chỉ tiêu đã đề ra năm 2025.
Từ năm 2025 trở đi, 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng bình đẳng giới đã có những tiến bộ rất tích cực
Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2022 cũng có 7/20 chỉ tiêu có kết quả tiến bộ hơn so với năm 2021 và phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn có 4/20 chỉ tiêu chưa thống kê được số liệu năm 2022 do các chỉ tiêu này được thống kê theo chu kỳ 5 năm/lần hoặc 10 năm/lần hoặc đang trong quá trình thu thập số liệu, tuy nhiên kết quả phấn đấu đạt mục tiêu.
Bình đẳng giới cần quan tâm cả nam và nữ giới
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung, phát biểu: Chính phủ đã báo cáo đầy đủ, công khai, minh bạch các chỉ tiêu. Tất cả các số liệu dựa trên phân tích, kiểm tra, đánh giá từ thống kê và kiểm tra thực tiễn của các địa phương.
Sau phiên họp này, ngành chức năng sẽ rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu. Trên cơ sở đó, sẽ họp lại và có những định hướng điều chỉnh kế hoạch thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đến năm 2025.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Bình đẳng giới thời gian qua có những tiến bộ rất tích cực. Tuy nhiên, về sự thay đổi, không thể thấy ngay trong ngày một, ngày hai được. Trong khi đó, Việt Nam trải qua 3 giai đoạn quan trọng: giai đoạn căng mình đối phó dịch bệnh; giai đoạn mở cửa; giai đoạn phục hồi và tăng tốc phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
“Ba giai đoạn này đều liên quan vấn đề giới, bình đẳng giới, đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội. Trong số những người bị ảnh hưởng, phải rời bỏ thành phố về quê chiếm tỷ lệ lớn là lao động nữ. Bởi, hầu hết lĩnh vực thâm dụng lao động chủ yếu là lao động nữ. Nhiều gia đình, khi cả hai vợ chồng mất việc làm, họ chọn phương án an toàn là để hai mẹ con về quê, còn người bố ở lại tìm kiếm việc làm mới” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Trong bình đẳng giới không chỉ riêng phụ nữ, nhưng đối tượng nữ thường được quan tâm hơn do chịu thiệt thòi, là đối tượng yếu thế nhất. Nhận thức về bình đẳng giới thời gian qua có tiến bộ qua các mục tiêu, nhiệm vụ từ công tác cán bộ, các chính sách đối với nữ nhiều chính sách ưu tiên vượt trội cho bà mẹ mang thai, phụ nữ sinh con.
“Ngoài ra, việc xây dựng chỉ số bình đẳng giới, xếp hạng các địa phương hằng năm như chỉ số trẻ em. Bộ Lao động - TBXH sẽ cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chỉ số thống kê, đánh giá. Cả hệ thống cần "chiến đấu" lâu dài cho sự tiến bộ của phụ nữ, cố gắng cho từng bước. Không thể hy vọng nhảy vọt, mà cần từng bước” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đánh giá.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Trong bình đằng giới, cần tính ở cả hai phía. Bản thân đàn ông cũng bị mất bình đẳng. Nhiều đàn ông cũng bị bạo lực tinh thần, tâm lý".
Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao đổi về kết quả hiện Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới năm 2022
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2022 dù còn ảnh hưởng của Covid-19. Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ tiêu bình đẳng giới của Việt Nam được tăng 4 hạng.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cũng cho rằng: Nhận thức về bình đẳng giới cần quan tâm với cả nam và nữ giới. Thực tế, những vấn đề của nam giới chưa được quan tâm đầy đủ trong chiến lược bình đẳng giới cũng là một thiếu sót. Trên thực tế, trong một số lĩnh vực nam giới cũng yếu thế nên phải hết sức lưu ý về vấn đề này.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
Thái Bình: Hiệu quả việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở HTX Đại Đồng
Phủ sóng thông tin giúp người dân ở Vĩnh Châu tiếp cận chính sách giảm nghèo ngày càng hiệu quả
Long Phú thực hiên hiệu quả công tác giảm nghèo
Nam Định phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,5% vào cuối năm 2025
Nam Định: Lan toả sâu rộng phong trào hỗ trợ nhà cho người nghèo
Chương trình “Kết nối những vòng tay” – Chủ đề Tết cho trẻ em nghèo năm 2024: Món quà yêu thương dành cho Trường Mầm non xã Diễn Yên
“Mùa xuân cho em” lần thứ 18 tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn
Yên Bái cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người cao tuổi
Phú Thọ đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công