Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hưng Yên chú trọng phát triển lao động chất lượng cao
(LĐXH)- Đây là một trong những nội dung trao đổi của Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác lao động, người có công và xã hội ngày 18/10.
Tham gia đoàn công tác cùng Bộ trưởng có thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH. Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Hưng Yên có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng; lãnh đạo Sở Lao động – TBXH và một số sở, ngành liên quan.
Hoàn thành “số hóa” hồ sơ người có công
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động – TBXH cho biết: Triển khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, trọng tâm là Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và giảm nghèo tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, chủ động phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Ước tính năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 33%.
Việc thực hiện chế độ ưu đãi, chăm sóc người có công và công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trung bình mỗi năm, tỉnh bố trí khoảng 65 tỷ đồng, Quỹ ”Đền ơn đáp nghĩa” huy động trên 10 tỷ đồng để thực hiện công tác người có công với cách mạng.
Giám đốc Đặng Văn Diên cho biết: Trung bình mỗi năm, Sở Lao động – TBXH giải quyết khoảng 6 nghìn thủ tục hành chính lĩnh vực người có công; thực hiện xác nhận, ban hành quyết định thực hiện các chế độ, chính sách cho 10 nghìn người có công và thân nhân của người có công. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với gần 21 nghìn người, với tổng kinh phí gần 67 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội như: hỗ trợ 100% thẻ BHYT đối với người cao tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi; trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi. Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64 nghìn đối tượng với tổng số tiền khoảng 340 tỷ đồng/năm.
Phấn đấu là 1 trong 10 địa phương không còn hộ nghèo
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH đã trao đổi, giải đáp một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hưng Yên về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trong đó có việc xem xét cách thức, phương pháp để giải quyết dứt điểm một số vấn dề vướng mắc; đồng thời, định hướng công tác an sinh xã hội của tỉnh đến Đại hội XIV…
Phát biểu làm rõ nét những điểm nổi bật về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, Chủ tịch Trần Quốc Văn cho biết: Năm 2024, môi trường đầu tư được cải thiện đáng, cùng những chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đã giúp Hưng Yên đón nhận các nguồn vốn đầu tư lớn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
“Hưng Yên trước đây là tỉnh nghèo, tuy nhiên với truyền thống văn hóa, con người cần cù, sáng tạo nên đến nay đã vào nhóm 10 địa phương phát triển toàn quốc” - Chủ tịch Trần Quốc Văn chia sẻ.
Theo ông Văn, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, tỉnh đã chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ đối tượng xã hội, trong đó có người nghèo, người làm nông nghiệp tham gia BHYT; chuyển đối tượng người nghèo không có khả năng lao động sang hưởng chế độ bảo trợ xã hội với khoảng hơn 2.000 người; ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, học nghề…
“Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 70%, thực hiện trợ cấp cho trên 64 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5% (hoàn thành sớm so với nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra). Trong quan hệ lao động, cơ bản tình hình ổn định, không xảy ra các trường hợp tranh chấp bức xúc. Chính sách người có công đã thực tốt, hài hòa” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận.
“Hòa cùng mục tiêu cả nước đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, chip, hydrogen, Hưng Yên cần có kế hoạch đào tạo cụ thể, đầu tư cho các trường đại học, trường cao đẳng. Lãnh đạo Bộ đồng ý việc sắp xếp lại các trường cao đẳng thành trường cao đẳng chất lượng cao để cung ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển của tỉnh” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về lĩnh vực người có công, Bộ trưởng yêu cầu: Sở Lao động - TBXH cần rà soát ngay 218 trường hợp hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách trình cấp Bằng Tổ quốc ghi công đúng quy định pháp luật, phải xong trước ngày 31/12/2024. Cục Người có công, Sở Lao động - TBXH thành lập tổ công tác phối hợp giải quyết, trường hợp không đủ điều kiện thì trả lời dứt điểm, thấu tình đạt lý. Đối với một số đối tượng chất độc hóa học, chỉ khi có tình tiết mới, đúng quy định thì xem xét giải quyết xác nhận để họ tiếp tục hưởng chính sách.
“Hiện tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của Hưng Yên mới đạt 43%, trong khi mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh là 47%. Sở Lao động – TBXH và BHXH tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về phát triển lĩnh vực này. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách BHXH, chú trọng cải cách hồ sơ, thủ tục để tạo thuận lợi cho người lao động tham gia” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về một số đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng lưu ý: Sở Lao động – TBXH sớm có phương án cụ thể về các hạng mục đầu tư, nâng cấp Trung tâm điều dưỡng người có công và phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ xem xét đầu tư hỗ trợ. Về việc xây dựng Cơ sở cai nghiện ma túy có quy mô tiếp nhận 1.000 học viên, Bộ trưởng giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với địa phương xem xét hỗ trợ đầu tư trong giai đoạn tới...
Trần Thắng
TAG: