Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hợp tác xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Hungary “thời điểm đã chín”
(LĐXH)- Đây là một trong những ý kiến trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và ông Ory Csaba, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam trong buổi tiếp được tổ chức vào chiều ngày 13/4.
Cùng dự buổi tiếp có lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Vụ Hợp tác Quốc tế.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn và đánh giá cao ngài Đại sứ tới thăm và làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng thời cho rằng, hai bên có nhiều tiềm năng trong hợp tác về xuất khẩu lao động, giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, sau thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, giờ đây cánh cửa đã mở cho cả hai bên, đây là “thời điểm đã chín muồi” để hai nước hợp tác về xuất khẩu lao động.
Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam đã cảm ơn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dành thời gian tiếp đón và thông tin về 4 lĩnh vực mà nước này đang có thế mạnh, nhu cầu lớn tuyển dụng lao động nước ngoài, gồm: Công nghiệp ô tô; điều dưỡng viên; dịch vụ khách sạn, nhà hàng; xây dựng.
Đại sứ Ory Csaba, trao đổi: Hiện Hungary cũng đã có một số lao động Việt Nam sang làm việc thông qua các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam hợp tác với các công ty môi giới của Hungary. Tuy nhiên, bên cạnh những lao động có tay nghề, ý thức lao động tốt, chăm chỉ, được các nhà sử dụng lao động Hungary rất hài lòng thì vẫn còn những lao động được đưa sang với mục đích chưa rõ ràng, phải qua nhiều trung gian, môi giới với chi phí cao nên đã nảy sinh một số vấn đề, trong đó có việc bỏ trốn ra ngoài làm việc với mức lương cao hơn.
Tại buổi trao đổi, Đại sứ Ory Csaba bày tỏ sự tin tưởng về việc cấp phép cho công ty xuất khẩu lao động, vấn đề kiểm soát và xử lý các công ty xuất khẩu lao động (nếu có lao động bỏ trốn) của Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề đào tạo và nâng cao chất lượng lao động trước khi đưa lao động sang Hungary sau khi hai nước ký kết hợp tác…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ với Đại sứ Ory Csaba: Việt Nam đã và đang xác định giáo dục nghề nghiệp là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Về tổng thể, Việt Nam đang dư thừa lực lượng lao động trẻ. Các nhà đầu tư lớn đang rất cần nhân lực nhưng họ đòi hỏi phải có ngay nhân lực chất lượng cao. Mặc dù, quá trình chuẩn bị Việt Nam chưa theo kịp nên việc thiếu hụt chỉ là tạm thời, song vấn đề này đến nay cơ bản đã bắt nhịp được. Thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quan tâm tới giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp, trong đó sẽ chuyển hướng đào tạo theo đặt hàng đầu ra với hướng mở, linh hoạt. Thay đổi hoàn toàn cách đào tạo như trước đây là trường nghề có thế mạnh gì thì đào tạo cái đó” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đối với 4 ngành nghề mà Hungary đang có nhu cầu lao động lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, bởi hiện nay nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đang đào tạo theo chương trình chuyển giao từ CHLB Đức, học sinh học xong được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Đức. Chính vì vậy, phía Hungary cũng cần tham gia đồng hành cùng với quá trình đào tạo nghề theo hướng: doanh nghiệp của bạn đưa ra yêu cầu, đặt hàng và cùng liên kết với các trường nghề của Việt Nam để cùng đào tạo và đảm bảo các điều kiện trước khi có thể xuất cảnh sang Hungary...
Trần Thắng
TAG: