Rà soát, sắp xếp các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, tạo sự đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
(LĐXH) - Sáng 18/4, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn ĐBQH tại Phiên họp thứ 9, khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với tổng số 24 ý kiến đăng ký, trong đó 16 đại biểu tập trung vào 3 lĩnh vực: Phòng chống Tệ nạn Xã hội, Người có công, Giáo dục nghề nghiệp. Riêng đối với Giáo dục nghề nghiệp thời gian tới cần có sự rà soát, sắp xếp các cơ sở, tạo sự đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và một số Đại biểu Quốc hộiĐại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn), đưa ra câu hỏi về hệ thống GDNN có những thay đổi lớn và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, vậy đâu là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời: Từ 1/1/2017, với chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã rà soát các vấn đề liên quan đến thể chế đồng thời ban hành 37 văn bản, 4 Nghị định, 25 Thông tư… đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định. Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung chưa hoàn thiện, chúng tôi xin tiếp tục thực hiện, sửa đổi khi có lợi hơn cho HSSV.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện tại, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề ra 10 nhóm giải pháp cơ bản trong Đề án về đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016 -2030; Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ sẽ ra các văn bản hướng dẫn các địa phương chuyển công tác quản lý nhà nước về GDNN từ Sở Giáo dục Đào tạo sang Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng xác định rõ và công khai các chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo và ngành, nghề đào tạo trên cơ sở khung trình độ quốc gia Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động tham gia đào tạo; tăng cường tính tự chủ, không khoán trắng cho cơ sở và không phân biệt trường công hay tư về mã ngành cũng như công tác tài chính…
Toàn cảnh phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phiên thứ 9
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) về nhằm hạn chế việc HSSV ra trường không có việc làm? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn: Thời gian qua, sự phối hợp giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp chưa được gắn kết, đây là một trong cái yếu của GDNN. Thời gian tới, Bộ sẽ có giải pháp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp tạo sự liên kết và triển khai, hợp tác mô hình đào tạo kép, xây dựng chương trình cung cấp thông tin. Một số nơi thí điểm doanh nghiệp tham gia từ đầu , doanh nghiệp tham gia giảng dạy, sinh viên đi thực tập, tiếp nhận sinh viên vào làm việc. Hiện có 6 trường cam kết chịu trách nhiệm, hoàn trả học phí cho sinh viên nếu không sắp xếp được việc làm và thu nhập.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) nêu ý kiến, hiện cả nước có 1.989 cơ sở GDNN trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN song nhiều trường, đặc biệt là các Trung tâm GDNN ở cấp cơ sở mặc dù được đầu tư tương đối đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng hoạt động không hiệu quả?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Ý kiến của đại biểu là xác đáng, thời gian qua, một số cơ sở đầu tư chưa đồng bộ, địa phương chưa nghiên cứu nghiêm túc nhu cầu người học, thậm chí có nơi được đầu tư nhưng không tuyển sinh được và ngược lại… Trước mắt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ Phương án quy hoạch, rà soát theo hướng không lập mới trường công lập, khuyến khích tư thục, doanh nghiệp đào tạo. Đặc biệt, rà soát các trường trung cấp, cao đẳng, có thể sáp nhập lại, chuyển giao tận dụng cơ sở vật chất; sắp xếp lại trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên – kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp thành trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; điều chỉnh từng ngành nghề ở mỗi địa phương sao cho phù hợp; có thể điều chuyển thiết bị giữa các cơ sở đào tạo; phân luồng học sinh… đây là những giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu đến năm 2020 có 30% học sinh chủ động vào học nghề, tạo sức hút cho lao động, nhất là thanh niên với điều kiện đảm bảo học xong có việc làm, nếu trường hợp có nhu cầu học liên thông sẽ được học lên tiếp mục tiêu là đại học không là con đường duy nhất để lập nghiệp…
“Tuyệt đối không để tình trạng trường có sinh viên lại không có thiết bị giảng dạy…” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời các chất vấn của Đại biểu Quốc hộiĐại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) đưa ra câu hỏi: Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu quả chưa cao, gây lãng phí tiền của, nhất là đối với thanh niên miền núi, tỷ lệ thất nghiệp và làm không đúng nghề học còn cao, vậy có giải pháp nào để khắc phục?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Đào tạo theo Quyết định 1956, nhìn chung có hiệu quả nhất định, thể hiện qua các con số mỗi năm cả nước có từ 1,4 - 1,5 triệu lao động nông thôn được dạy nghề theo Quyết định 1956, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 28% năm 2008 lên - 51% năm 2017, tác động tích cực vào công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như cơ cấu kinh tế tại mỗi địa phương. Hiện tại còn hai chương trình mục tiêu quốc gia, là Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, thời gian tới cần tích hợp giữa dạy nghề cho lao động nông thôn với các chương trình này. Chính phủ đã giao trách nhiệm cho những Bộ có liên quan, trong đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất, chỉ đạo đào tạo nghề khi có dự báo về nhu cầu việc làm, mức thu nhập và tổ chức đào tạo gắn với quy hoạch của từng địa phương…/.
NHB