Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chuyển đổi số nhanh và mạnh hơn lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
(LĐXH)- “Để nâng cao vị thế giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống GDNN tập trung chuyển đổi số là việc hết sức đúng đắn. Chính vì vậy, GDNN phải thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.
Ngày 18/1/2022, tại Hà Nội, Tổng cục GDNN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự và chỉ đạo hội nghị, có Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Lê Tấn Dũng. Tham dự, còn có đại diện Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Về phía Tổng cục GDNN, có Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, các Phó tổng Cục trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, tác động mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành; tăng cường các diễn đàn, hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố để cùng nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở GDNN. Với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, Tổng cục GDNN đã cùng cả nước vượt qua một năm 2021 đầy khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng.
Với vai trò là cơ sở đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở GDNN đã phát huy nội lực chủ động triển khai các biện pháp duy trì hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin được các nhà trường áp dụng hiệu quả vào các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kết quả, khai giảng, bế giảng năm học bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, và trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ thông tin, nền tảng xã hội như: Zoom, google meet, face book, zalo, tictok… Hoạt động dạy và học được duy trì thông qua việc chuyển đổi thích ứng với mô hình trường học an toàn, trường học “3 tại chỗ” được một số trường áp dụng hiệu quả, đảm bảo để người học có thể hoàn thành chương trình học tập, tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, Tổng cục đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: SunGroup, Vingroup, Grab, Phú Thái Holding... Hiện có hàng nghìn doanh nghiệp có các biên bản ghi nhớ và kế hoạch triển khai cụ thể các hoạt động hợp tác với cơ sở GDNN trong đào tạo và sử dụng lao động, trong số này có nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến như Daikin, Denso, Panasonic, Sun Group, Mường Thanh, FPT, Tập đoàn Dệt May...
Với sứ mạng là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, và Lãnh đạo Bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn của các thế hệ lãnh đạo, cán bô, công chức, người lao động, hoạt động GDNN đã có những chuyển biến tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Hàng ngàn nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố và toàn quốc. Nhiều cán bộ, giáo viên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, những chuyên gia kỹ thuật, công nghệ đầu đàn, những công nhân lành nghề bậc cao; nhiều sinh viên đã đạt giải cao trong các kỳ thi kỹ năng nghề khu vực và thế giới; hàng triệu lao động qua đào tạo nghề đã và đang làm việc trong các doanh nghiệp; trên các công trường, đồng ruộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu đó đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, GDNN...
Tổng cục đặt mục tiêu sẽ tuyển sinh tăng 10% so với số thực hiện năm 2021. Cả nước sẽ có 2.249.500 người tốt nghiệp trong lĩnh vực GDNN. Trong đó, trình độ Cao đẳng, Trung cấp là 501.500 người; trình độ Sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 1.748.000 người. Dự kiến năm 2022 có khoảng 1.877 cơ sở GDNN (trong đó có 409 trường Cao đẳng, 438 trường Trung cấp và 1.030 Trung tâm GDNN); số cơ sở GDNN công lập là 1.184, giảm 4% so với năm 2021 (là 1.221 cơ sở) và số cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm khoảng 37%.
Ưu tiên chuyển đổi số trong GDNN
Trước yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, trong năm qua, Tổng cục đã triển khai các biện pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thực hiện thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, đặc biệt là đảm bảo kết nối hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học. Trong đó, các cơ sở GDNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số bằng sự chủ động đầu tư, nâng cấp, xây dựng các phần mềm quản lý, quản trị nhà trường, xây dựng nền tảng trực tuyến riêng phục vụ cho hoạt động dạy và học, xây dựng kho tài nguyên mở dùng chung, các nhà giáo đã sáng tạo xây dựng các học liệu số đưa vào bài giảng để nâng cao chất lượng dạy và học…
“Có thể thấy, GDNN đã tiếp cận được nghề nghiệp kỹ năng của Châu Á và Thế giới, ASEAN. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, phụ huynh, học sinh, sinh viên đã hoàn toàn mới. Đội ngũ nhà giáo cũng đã dành rất nhiều sự tâm huyết cho sự nghiệp GDNN. Chính vì vậy, trong năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang có rất nhiều thuận lợi để có thể đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cho biết.
Bên cạnh việc tập trung tạo đột phá trong việc chuyển đổi số, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Chúng ta đang ở thời kỳ cuối của dân số vàng. Nếu không biết chớp thời cơ thì Việt Nam sẽ mất cơ hội trong nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, trong khi đây là thời cơ rất lớn đối với GDNN. Nắm bắt được thời cơ về dân số vàng sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội, sẽ đổi mới được GDNN. Do đó, trong năm 2022, Tổng cục GDNN cần nắm bắt các cơ hội về cơ chế chính sách, phải gắn kết với thị trường lao động, gắn với yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Trần Thắng
TAG: