Bộ Luật Lao động sẽ được sửa đổi cơ bản và toàn diện
(LĐXH)- Chiều 16/8, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH tổ chức cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp còn có các Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Lê Quân; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (họp tháng 5/2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (họp tháng 10/2019).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp
Ngày 28/6/2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 792/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 01/2019.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đây là Bộ Luật lớn có tác động sâu rộng đến xã hội, nhất là các nội dung của Bộ Luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Lần sửa đổi này nhằm chuyển đổi toàn diện Bộ Luật, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Ban chấp hành TW Đảng, Bộ Chính trị; phù hợp Hiến pháp 2013; đảm bảo sự đồng bộ các Luật đã được ban hành; đồng thời giải quyết các vướng mắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện thể chế thị trường lao động…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động là công việc nặng nhọc, khó khăn và đầy thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ của các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án. Các thành viên cần nêu cao tinh thần làm việc, cụ thể hóa được tư tưởng và tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, tinh thần Hiến pháp và các Nghị quyết của Quốc hội. Từ đó tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, giúp thị trường lao động vận hành minh bạch, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo hội nhập quốc tế…
Theo Bộ trưởng, Dự án Bộ Luật Lao động sẽ được sửa đổi toàn diện
Bên cạnh đó, việc sửa đổi cần tính toán được sự ảnh hưởng, cố gắng hạn chế sự thay đổi các Luật liên quan. Về nội dung, cần xác định đây là lần sửa đổi cơ bản và toàn diện Bộ Luật, do vậy cần nghiên cứu kỹ các nội dung, cốt lõi tập trung vào các nhóm nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động cần sửa đổi.
Về công tác tuyên truyền, Bộ trưởng đề nghị cơ quan thường trực xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, có định hướng và trọng tâm nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội. Trên cơ cở các ý kiến đóng góp của cuộc họp lần thứ nhất này, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động, bố trí làm việc với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan; lắng nghe các nghiệp đoàn, các nhà đầu tư lớn; lấy thêm ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Bộ Luật được toàn diện.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp báo cáo tiến độ và các nội dung cơ bản của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi)
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, về cơ bản, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012 như sau: Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính tăng cường khả năng nhận diện các quan hệ lao động trên thực tiễn, khắc phục tình trạng “lách” các quy định của pháp luật lao động (như giao kết hợp đồng dịch vụ hay hợp đồng cộng tác viên... thay cho hợp đồng lao động trong khi bản chất của mối quan hệ này là quan hệ lao động), đồng thời nghiên cứu điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong thị trường lao động (người lao động làm việc theo các hình thức liên kết kinh doanh với các doanh nghiệp công nghệ số như: Uber, Grab...) nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh mới.
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án tham gia đóng góp ý kiến
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, nhưng nội dung lớn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bao gồm: Nội dung về hợp đồng lao động; làm thêm giờ; Tiền lương tối thiểu và các chính sách Tiền lương (thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ); Tuổi nghỉ hưu (thực hiện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW); Thẩm quyền của Thanh tra lao động; Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Vấn đề đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện; Vấn đề giải quyết tranh chấp lao động - đình công; Những sửa đổi, bổ sung khác để đảm bảo tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật./.
Hồng Minh
TAG: