Bộ LĐTB&XH tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nhân quyền năm 2022
(LĐXH)- Ngày 28/12 tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nhân quyền năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tham dự và chủ trì hội nghị.
Thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho mọi đối tượng thích hợp, trong đó có các chương trình đào tạo dành cho lao động nông thôn, người dân tộc thiêu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với các biện pháp tích cực phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thị trường lao động phục hồi mạnh so với năm 2021, thu hút được một lực lượng lao động ổn định vào làm việc tại hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả tích cực.
Cùng với đó, tích cực triển khai các biện pháp phục hồi phát triển thị trường lao động ngoài nước, tạo việc làm, thu nhập cho người dân. Ước cả năm đưa khoảng 130.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt 144,4% kế hoạch.
Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ cấp cho người có công với cách mạng. Trong các lĩnh vực xã hội, Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Với hệ thống chính sách hoàn thiện hơn, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tạo điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Công tác trẻ em tiếp tục được chú trọng với nhiều hoạt động thiết thực. Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên tay sở giới được tăng cường; bảo đảm duy trì các dịch vụ trợ giúp xã hội và kịp thời phát hiện, giải quyết, thông tin về các vấn đề, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và liên quan đến quyền trẻ em.
Công tác bình đẳng giới cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số giới của Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Tính đến tháng 7/2022, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 14/30, đạt 46,6%. Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt.
Về phương hướng công tác trọng tâm năm 2023, hội nghị nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để tăng cường đảm bảo quyền con người, tập trung xây dựng các luật gồm: hoàn thiện, trình Quốc hội Luật BHXH (sửa đổi); trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2030; xây dựng Hồ sơ Luật Việc làm (sửa đổi).
Thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong phương hướng, nhiệm vụ của Bộ năm 2023, chú trọng hơn đến các vấn đề đang còn vướng mắc. Tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề chưa giải quyết được do thiếu nguồn lực tài chính hoặc kỹ thuật.
Tăng cường công tác tuyên truyền theo Quyết định số 1079 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt nam. 4. Tăng cường nâng cao nhận thức về công tác nhân quyền đối với các cơ quan tại địa phương.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ TTTT, VPNQ trong công tác thông tin đối ngoại, xử lý các vấn đề nhạy cảm phát sinh dứt điểm, kịp thời./.
Hồng Hà
TAG: