Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
(LĐXH) - Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống người dân, trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2022, Bộ Lao động – TBXH đưa ra nhóm các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện năm 2023.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu
Theo đó, mục tiêu chung là thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, vận hành linh hoạt nhằm kết bối cung cầu lao động, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm mọi người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cụ thể, Ngành sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ khoảng 27,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 1-1,5%. Chỉ tiêu Chính phủ giao: Đưa khoảng 110 - 120 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 39-40%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN khoảng 31,5-32%.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội nhằm góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện quyết liệt, linh hoạt và hiệu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển KTXH của đất nước.
Thứ hai, triển khai thực hiện Nghị quyết số 6/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Duy trì ổn định thị trường lao động ngoài nước hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam; tăng cường công tác tạo nguồn, nâng cao chất lượng nguồn lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ ba, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tổ chức thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống; đồng thời kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới.
Thứ tư, phát triển giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động; nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) lên ít nhất 05 bậc. Tập trung cho công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Thứ năm, thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Mở rộng chi trả trợ cấp người có công thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Thực hiện hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tăng cường vận động, hỗ trợ, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ.
Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp ổn định cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện chi trả không dùng tiền mặt các chế độ an sinh xã hội qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thứ bẩy xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Thực hiện hiệu quả 10 chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; giảm thiểu tai nạn, thương tích trẻ em và các chính sách khác có liên quan đến trẻ em, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp.
Thứ tám, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật, chương trình, đề án về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; phòng, chống mại dâm và hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị mua bán. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người. Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực người làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy, hỗ trợ người bán dâm và nạn nhân bị mua bán.
Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo bộ máy của Bộ, ngành tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ mười, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh quốc tế mới. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trên các kênh song phương, đa phương và phi chính phủ nước ngoài nhằm huy động nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về lao động, người có công và xã hội.
Thứ mười một, tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Thông tin đầy đủ, kịp thời về các vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm. tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ngành./.
Nhóm PV
TAG: