Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao công tác tổ chức cán bộ trong tình hình mới
(LĐXH) – Ngày 9/12/2019, tại thành phố Huế, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ và nâng cao năng lực về quản lý các đơn vị trong tình hình mới. Tham dự, có 150 đại biểu là lãnh đạo và các đồng chí cán bộ chủ chốt làm nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ của các cục, vụ, viện, các trường, trung tâm, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ. Đồng chí Trịnh Minh Chí– Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trịnh Minh Chí – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết: Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức Hội nghị tập huấn các quy định về tổ chức cán bộ giúp phổ biến, giới thiệu cho lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ những quy định mới của Chính phủ và của Bộ Nội vụ. Đồng thời, góp phần quán triệt, tạo sự thống nhất trong việc triển khai thực hiện các quy định tại tất cả các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ theo đúng quy định, đúng tiến độ, thời gian yêu cầu và đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, chương trình tập huấn năm 2019 là dịp để Vụ Tổ chức cán bộ cùng các đơn vị nhìn nhận lại, đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ ở các đơn vị. Hằng năm, Vụ Tổ chức cán bộ đều tổ chức tập huấn với mục tiêu rà soát lại toàn bộ hoạt động công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị; thu thập thông tin, phản hồi, trao đổi cùng nhau xử lý những bất cập, vướng mắc, khó khăn, thuận lợi về công tác tổ chức cán bộ. Vụ Tổ chức cán bộ sẽ thông tin, trình bày một số định hướng mới về công tác tổ chức cán bộ theo chủ trương chung của Chính phủ, Nhà nước và của Bộ; Đồng thời thông tin tới toàn thể các đơn vị thuộc Bộ về những sai sót, hạn chế, những vụ việc mắc phải của các đơn vị vừa được kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ vừa qua, từ đó cùng nhau rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp, phương án tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền của Bộ để giải quyết tốt công tác tổ chức cán bộ theo hướng nề nếp, tạo sự ổn định ở tất cả các đơn vị. Đồng thời cũng là phát huy năng lực, tạo môi trường tốt nhất trong phạm vi trách nhiệm của mình để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đối với việc giao chỉ tiêu biên chế cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, căn cứ quy định về thủ tục tiếp nhận không qua thi tuyển vào công chức tại Điểm 2 Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ và Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch để đnáh gái về các điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí việc làm cần tuyển của nhân sự được đề nghị tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định.
Đối với những trường hợp tuyển dụng đặc biệt, căn cứ điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng, người đứng đầu cơ quan đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được xem xét tiếp nhận vào viên chức đối với các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm theo yêu cầu, có trình độ đào tạo đại học trở lên, phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn, bao gồm: Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; người được hưởng lương trong lực lượng vũ trang; cán bộ công chức cấp xã; người đang làm việc tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp mà Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ; người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; thể dục thể thao; các ngành nghề truyền thống… Trường hợp đã là cán bộ, công chức, viên chức, sau đó được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; doanh nghiệp mà nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ…
Về cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiếp tục duy trì gồm 2 nhóm tổ chức hành chính: Nhóm các tổ chức hành chính quản lý tổng hợp, có đối tượng quản lý chủ yếu là các tổ chức quản lý hành chính chuyên ngành trong cùng cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có phạm vi quản lý là các hoạt động bên trong có tính chất nội bộ của Bộ (gồm 6 tổ chức là Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và 1 số vụ). Và Nhóm các tổ chức hành chính quản lý chuyên ngành, có phạm vi hoạt động quản lý chủ yếu bên ngoài Bộ, với đối tượng quản lý là các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trên toàn quốc (gồm 11 cục, vụ, tổng cục). Về cơ bản, mô hình tổ chức Bộ hiện nay là theo mô hình chung của các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cho tổ chức hành chính thuộc Bộ được thành lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, mô hình tổ chức hành chính của Bộ cũng còn một số hạn chế. Và sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 14/2017/NĐ-CP, Bộ đã thực hiện việc kiện toàn, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các tổ chức hành chính cho phù hợp. Tuy nhiên, một số dự kiến điều chỉnh, điều chuyển về cơ cấu tổ chức cần thiết giữa các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện các đơn vị điều chỉnh vẫn chưa triển khai được.
Tại hội nghị, các đại biểu không chỉ được nghe thông tin khái quát về tình hình chung về công tác tổ chức cán bộ năm 2019 của Bộ mà còn được nghe sâu các chuyền đề về: Tổ chức, bộ máy, biên chế; Công tác tuyển dụng, tiếp nhận,nâng ngạch,chuyển ngạch; Một số vấn đề về bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể, các nội dung, vấn đề được nêu ra là: Các quy định mới về tổ chức, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; Thi tuyển công chức, tiếp nhận không qua thi tuyển, tiếp nhận công chức đơn vị quản lý Nhà nước; Thi tuyển, xét tuyển, xét tuyển đặc cách và tiếp nhận viên chức trong đơn vị sự nghiệp; Ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức; Một số quy định về công tác tiền lương, Một số quy định về phụ cấp; Kê khai tài sản, thu nhập và minh bạch tài sản, thu nhập;Một số nội dung về tinh giản biên chế; Một số nội dung về thôi việc; Một số nội dung về cử công chức, viên chức đi công tác, học tập và giải quyết việc riêng ở nước ngoài; Chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội đối với công chức, viên chức và người lao động; Một số quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý…
Sau phần trình bày một số nội dung công tác, chuyên môn, các đại biểu tiếp tục thảo luận, trao đổi, tổng hợp những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về công tác tổ chức cán bộ của đơn vị mình để lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ trực tiếp trả lời, hướng dẫn các nội dung thuộc thẩm quyền, tổng hợp những nội dung vượt quá thẩm quyền để báo cáo cơ quan có thẩm quyền./.
Hà Giang
TAG: