Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết chế độ ưu đãi người có công
05:35 PM 10/04/2021
(LĐXHH)- Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng 2 văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể gồm dự thảo Nghị định quy định chi tiết Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và dự thảo Nghị định quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình 2 dự thảo Nghị định vào tháng 5/2021.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tặng quà người có công huyện Bát Xát (Lào Cai) dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021
Trước đó, ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ưu đãi người có công (sửa đổi) với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể chế rõ chủ trương ưu tiên chăm sóc, dành tối đa nguồn lực để nâng cao hơn nữa đời sống người có công với cách mạng.
Pháp lệnh gồm 7 chương và 58 Điều. Trong đó, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng. Từng đối tượng và người có công được hưởng chế độ ưu đãi gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hỗ trợ cải thiện nhà, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi để kinh doanh, miễn giảm thuế…
Điểm mới đáng chú ý của Pháp lệnh là đã mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân. Cụ thể như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 tới.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội Thủ đô
Hơn 100 đại biểu dự hội nghị về công tác tài chính do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức
Tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Ba Tri
Bắc Giang: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo