Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" không làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật
08:32 AM 10/05/2019
(LĐXH) Đó là trao đổi của ông Nguyễn Tư Long – Phó Vụ trưởng Vụ công chức – viên chức, Bộ Nội vụ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ diễn ra vào chiều ngày 9/5/2019.
Trước câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về đề xuất bỏ hình thức giáng chức trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức  mà Bộ này đang trình Quốc hội xin ý kiến - có làm giảm bớt sự nghiêm minh, nghiêm khắc, nghiêm túc của cán bộ công chức hay không?
Trả lời nội dung này, ông Nguyễn Tư Long – Phó Vụ trưởng Vụ công chức – viên chức, Bộ Nội vụ, cho biết: “Việc bỏ một hình thức không có nghĩa làm giảm bớt tính nghiêm minh vì hình thức kỉ luật giáng chức hiện tại chỉ áp dụng đối với đối tượng lãnh đạo quản lý tức là công chức lãnh đạo quản lý và ngoài hình thức kỉ luật giáng chức còn có hình thức kỉ luật cách chức”.
Cũng theo ông Long, qua thực tế, có 5 hình thức xử lý kỉ luật đối với công chức lãnh đạo quản lý là khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc. Giữa giáng chức và cách chức, trong quá trình thực thi có những cái duy tình vì đáng lẽ phải sử dụng hình thức kỉ luật mạnh mẽ là cách chức thì có một hình thức là giáng chức. Đâu đó có những hiện tượng không phải là lách luật mà giảm nhẹ hình thức xử lý kỉ luật. Nếu không phải là hình thức khiển trách, cảnh cáo thì đối với công chức là đối tượng lãnh đạo quản lý sẽ xử lý nghiêm khắc bằng hình thức cách chức. Bởi việc giữ hình thức kỉ luật giáng chức xung đột với các yêu cầu vị trí việc làm vì vị trí việc làm xác định rất rõ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại cuộc họp báo
“Như 1 trưởng 3 cấp phó, nếu một ông đang là trưởng mà bị giáng chức là một hình thức bổ nhiệm vào một vị trí thấp hơn, thế nhưng có 3 ông cấp phó ngồi đấy rồi thì làm gì có vị trí việc làm nữa mà bổ nhiệm, rồi lại sinh ra một số trường hợp bị giáng chức như từ cấp phó lại xuống làm cấp trưởng thì lại không tương đương. Bỏ hình thức xử lý kỉ luật giáng chức cũng tương thích với 4 hình thức kỉ luật bên Đảng quy định đó là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ khỏi Đảng, tạo sự liên thông trong công tác cán bộ”, ông Long phân tích.
Cũng tại buổi họp báo, phóng viên nêu câu hỏi về việc vừa qua có nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật. Đơn cử, mới đây là trường hợp ông Nguyễn Bá Cảnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư kỷ luật do vi phạm về phẩm chất, đạo đức lối sống.
Ông Nguyễn Tư Long – Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – viên chức
thông tin về việc Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức" 
Ông Nguyễn Tư Long nói việc thu hút đội ngũ cán bộ trẻ là chủ trương của Đảng, Nhà nước và luôn được ngành tổ chức cán bộ đặt ra. Tuy nhiên, sau việc gần đây nhiều cán bộ trẻ bị kỷ luật, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu giải pháp cần thiết, trong đó đầu tiên thắt chặt việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trẻ, kiểm soát tốt hơn đầu vào.
"Chúng tôi cố gắng tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tuyển dụng được những cán bộ trẻ có năng lực, trình độ thực sự; có mong muốn cống hiến cho hệ thống chính trị", Ông Long nói
Về việc có luật hóa Đề án Công vụ hay không, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, khi xây dựng Luật Cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã đưa nội dung đề án vào một số điều luật để các cấp có thẩm quyền xem xét tại kỳ họp vào tháng 5 này.
Về tiến độ thực hiện sắp xếp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (sở, ngành); dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (phòng, ban) từ rất sớm và nhiều địa phương, với tinh thần cải cách mạnh mẽ, đã chủ động triển khai. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, cuối năm 2018, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tạm dừng việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện trong khi chờ Chính phủ ban hành hai nghị định mới.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về vấn đề này để các địa phương trong cả nước thống nhất thực hiện theo hướng sẽ phân cấp mạnh để lãnh đạo các địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, nghiên cứu sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phương châm là rõ việc, giảm sự cồng kềnh và biên chế không tăng lên.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp khai mạc ngày 20/5.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Động đất Tây Tạng: 126 người thiệt mạng, mức khẩn cấp cao nhất
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y
Vừa vạch trần bê bối xây dựng, nhà báo bỏ mạng tức tưởi
Bạn gái bị chê hát lạc nhịp, gã đàn ông đấm chết người chê
Cậu bé bị biến dạng mặt vì trò đùa tàn nhẫn của bạn
Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2027
Truyền thông Thái Lan thất vọng trước thất bại của đội nhà
Trung Quốc nói kiểm soát được dịch bệnh giống Covid 19
Vợ trầm cảm sau sinh, chồng đi tù vì làm điều ai cũng choáng