Bình Định phấn đấu đạt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho gần 28.600 người
(LĐXH)- Từ nay đến cuối năm 2021, tỉnh Bình Định phấn đấu đạt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 28.567 người; hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Định có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc phạm vi quản lý của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, bao gồm: 2 trường cao đẳng, 14 Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên cấp huyện và Trung tâm GDNN.
Kết quả trong 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 12.100 người, đạt 42,36% kế hoạch, tăng 15,29% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, trình độ cao đẳng 457 người, trung cấp 514 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 11.129 người.
Công tác tuyển sinh đào tạo nghề ở Bình Định gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Hiện tại, có 04/07 mô mình đã được triển khai tổ chức đào tạo với 140 lao động tham gia học nghề, gồm: mô hình trồng rau an toàn (Trung tâm GDNN Bình Định), mô hình chăn nuôi bò (Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyênTây Sơn), mô hình chế biến món ăn và trồng cây cảnh (Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên An Nhơn).
Qua đánh giá, mặc dù các cơ sở GDNN trong tỉnh đã nỗ lực thực hiện tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên cho người lao động theo kế hoạch, song do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác này đã gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với công tác tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên dưới 3 tháng trong các cơ sở GDNN đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên vẫn chưa thể triển khai công tác đào tạo...
Về kết quả triển khai dạy học trực tuyến, do tình hình địch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai hình thức đào tạo trực tuyến; tập huấn cho gíao viên cách thức xây dựng và thực hiện lớp học trực tuyến trên nền Google Classroom, chủ yếu giảng dạy phần lý thuyết, tuy nhiên vẫn đảm bảo đủ nội dung, chương trình đào tạo cho người học và thực hiện công tác quản lý học tập của học sinh, sinh viên và học viên.
Tiếp đến, thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, theo báo cáo của các cơ sở GDNN, đến nay, chưa có doanh nghiệp nào có ý kiến phản hồi, đặt vấn đề đào tạo, chưa kết nối để triển khai thực hiện. Hiện tại, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã làm việc với Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hưng Phát có nhu cầu đào tạo cho 132 công nhân nghề May công nghiệp và đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận đối tượng.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh đào tạo, đảm bảo đạt chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch là 28.567 lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, phù hợp quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; thực hiện các mô hình đào tạo cho 105 lao động (trồng rau an toàn, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng).
Đồng thời, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định sẽ chỉ đạo các cơ sở GDNN tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn các chính sách về hỗ trợ cho người lao động tham gia học nghề và tìm việc làm trên cơ sở điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp và công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để khai thác nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Thực hiện tốt việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để cùng chung trách nhiệm trong việc đào tạo, phát triển nguồn lực cho địa phương và đảm bảo việc làm ổn định cho người học sau khi được đào tạo.
Chí Tâm
TAG: