Dân tộc-Tôn giáo
Trang chủ / Xã hội / Dân tộc-Tôn giáo
Bình Định: Bảo tồn và phát triển văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số
10:46 AM 10/11/2021
(LĐXH) - Trải qua thời gian phát triển và hình thành những tác động khác nhau đối với nền văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Định, quá trình hội nhập đã khiến cho nền văn hóa truyền thống của vùng này đang có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc luôn được Bình Định chú trọng đầu tư và phát huy. Đặc biệt là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân vùng DTTS
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 39 dân tộc thiểu số cư trú, chủ yếu là dân tộc Bana, Chăm H'roi và H'rê sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát. Toàn tỉnh có 15 di tích liên quan đến vùng các DTTS đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích thuộc cấp quốc gia. Ngoài ra, còn có hàng trăm hiện vật như vòng đeo tay bằng đồng, tẩu thuốc, gùi, dụng cụ sinh hoạt và đựng thực phẩm, nhạc cụ truyền thống được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Nghề dệt vải, đan lát truyền thống đã trở lại trong sinh hoạt hằng ngày ở một số hộ gia đình của đồng bào DTTS.
Người Chăm H’roi biểu diễn cồng chiêng, trống kơtoang tại huyện Vân Canh.
Trưởng Ban dân tộc tỉnh Bình Định, đồng chí Đinh Văn Lung cho biết: Từ năm 2016 đến 2020, Ban dân tộc tỉnh đã trao tặng 119 bộ cồng chiêng cho 119 làng, thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 14 bộ cồng, chiêng cho 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trong tỉnh. Khởi công xây dựng 43 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và 7 công trình phù hợp phong tục tập quán, văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho 150 hộ đồng bào DTTS tại làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận (Vân Canh) và làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh); chuyển giao cho làng Hà Ri 40 khung dệt cải tiến, qua đó từng bước giúp đồng bào tăng năng suất và chất lượng sản phẩm dệt.
Từ đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh, nhằm duy trì, phát triển các giá trị văn hóa của các dân tộc đồng bào thiểu số, như lễ hội mừng cồng chiêng mới; các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS, ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS miền núi của tỉnh. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng chương trình nghệ thuật cho các đoàn văn hóa, văn nghệ của đồng bào DTTS tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức. Từ đó, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.
Một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được hạn chế, loại bỏ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số..
Việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức ngày hội, giao lưu văn hóa cấp vùng, miền, khu vực, từng dân tộc, và các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể…
Lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi ở Vân Canh.
Tuy nhiên, bảo tồn, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ không hề đơn giản, dễ dàng. Còn rất nhiều việc phải làm để có thể đảm bảo phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số. Điển hình như số người không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều dân tộc thiểu số chỉ được phục dựng khi có lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày; bản sắc văn hóa một số dân tộc đang dần mai một…
Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 là xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Nhằm thực hiện hóa những mục tiêu trên, Ban Dân tộc tỉnh xác định thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số, giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào. Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, xây dựng và nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào.
Cùng với đó làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào DTTS, ông Đinh Văn Lung cho hay: Thời gian tới, Ban phối hợp với ngành văn hóa, chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế và từng giai đoạn. Cụ thể, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa; từng bước thực hiện việc tư liệu hóa và số hóa các di sản.
Lê Minh.
TAG:
Tin khác
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
Lan tỏa những câu chuyện về hành trình vượt khó và mô hình sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện