Bình Đại tập trung hỗ trợ sinh kế giúp hộ dân các xã bãi ngang thoát nghèo
Đầu năm 2019, toàn huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre có 4.590 hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ hơn 11% (trong đó, có 2.795 hộ nghèo với 7.541 nhân khẩu, chiếm 6,75%, 1.795 hộ cận nghèo với 5.938 nhân khẩu, chiếm 4,34%). Thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án sinh kế), huyện đã đăng ký 1.768 hộ, tập trung ở 6 xã bãi ngang của huyện.
Tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ
Trong tổng số 1.768 hộ tham gia Đề án sinh kế, có 975 hộ nghèo và 793 hộ cận nghèo. Trong đó, có 837 hộ là có đất sản xuất (473 hộ nghèo và 364 hộ cận nghèo), 931 hộ là không có đất sản xuất (502 hộ nghèo và 429 hộ cận nghèo). Được chia theo sự quản lý của đoàn thể, Hội Nông dân quản lý 691 hộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 507 hộ, Hội Cựu chiến binh 48 hộ, Đoàn Thanh niên 34 hộ, và 560 hộ không thuộc đoàn thể nào.
Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và Đề án sinh kế, huyện đã đề ra 6 nhóm giải pháp giúp cho công tác giảm nghèo đạt tỷ lệ hàng năm là 2%; riêng các xã bãi ngang từ 3 - 4% như: hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, thực hiện các chính sách góp phần cải thiện các chiều thiếu hụt dịch vụ và xã hội cơ bản, thực hiện chính sách hỗ trợ các xã bãi ngang ven biển, xây dựng các mô hình sinh kế… Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề luôn được các đoàn thể quan tâm, đã tổ chức trên 2.000 cuộc với trên 100 ngàn lượt hội viên, đoàn viên tham gia; mở được 54 lớp dạy nghề (theo Quyết định số 1956) cho 1.128 lượt người nghèo tham dự, giải quyết việc làm cho hơn 5.600 lao động và có 248 người tham gia xuất khẩu lao động.
Mô hình chăn nuôi dê và bò sinh sản của hộ anh Trần Văn Phong ở ấp Phú Hưng, xã Phú Vang.
Qua 3 năm, có 16.986 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ hơn 332 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất. Riêng về nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế gần 6,3 tỷ đồng (cho 353 hộ tham gia). Tính đến cuối năm 2018, có 938 hộ tham gia Đề án sinh kế đã thoát nghèo và thoát cận nghèo, trong đó, có 334 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững…
Đa dạng các mô hình
Các mô hình đa dạng sinh kế hiện nay trên địa bàn huyện chủ yếu là trên lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Nhất là mô hình chăn nuôi bò và dê luôn nhận được sự quan tâm của người nghèo bởi vì đây là hai con vật nuôi thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và rất ít rủi ro, giá cả ổn định. Chúng tôi đã tìm về xã Phú Vang - một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện, hơn 10%. Cán bộ trẻ em, giảm nghèo và xã hội xã Võ Minh Nhựt cho biết, địa phương có 178 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế. Riêng năm 2019, có 17 hộ tham gia. Qua nhiều năm xây dựng các mô hình hỗ trợ, tạo sinh kế thì mô hình chăn nuôi bò và dê được người nghèo rất quan tâm. Nhiều hộ đã thật sự thoát nghèo, thoát cận nghèo rất bền vững, cá biệt có hộ đã vươn lên khá giả. Cùng với anh Nhựt, chúng tôi đã tìm đến hộ anh Trần Văn Phong, ấp Phú Hưng, thuộc diện hộ nghèo và đã thoát lên cận nghèo. Nhờ chí thú làm ăn dù gia đình anh có đến 5 miệng ăn, lại không có đất sản xuất và nhờ mạnh dạn tham gia Đề án sinh kế, sự hỗ trợ nguồn vốn vay, anh Phong đã vay vốn để chăn nuôi dê và bò sinh sản rất có hiệu quả. Hiện nay, chuồng dê của anh có 10 con, trong đó có 4 con dê sinh sản và 2 con bò. Anh Phong cho biết, cuối năm nay sẽ hoàn trả hết vốn hỗ trợ cho ngân hàng.
Theo đánh giá của huyện, các mô hình sinh kế được xây dựng theo nguyện vọng của người nghèo. Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, thì các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo từ các tổ chức, các hội, đoàn thể cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo mà huyện đăng ký đến năm 2020 để tham gia Đề án sinh kế nhiều khả năng sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, dù số hộ tham gia đăng ký so với đầu năm 2019 tăng 424 hộ./.
Thành Lập
TAG: