Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình: Bộ máy biên chế Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tinh gọn và hiệu quả
(LĐXH)- Đây là đánh giá, nhận xét của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc khảo sát thực hiện quản lý biên chế giai đoạn 2016 – 2021 vào chiều ngày 30/11.
Tham gia đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế với đồng chí Nguyễn Hòa Bình còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cùng đại diện một số Bộ, ban, ngành.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng; các Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thị Hà cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, cho biết: Theo quy định mới của Trung ương, việc quản lý và quyết định biên chế do Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Để tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định những vấn đề về biên chế, cán bộ, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế. Ban Chỉ đạo cũng tổ chức đoàn công tác đi các địa phương; Bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để khảo sát công tác quản lý biên chế.
Liên quan đến công tác biên chế, thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng có một số Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, thông tin: Thông qua việc khảo sát của các đoàn trên phạm vi cả nước cho thấy, ở một số nơi, việc tinh giản biên chế phần lớn là giảm tự nhiên như dừng tuyển dụng, giảm biên chế ở những người về hưu, người có vấn đề, phẩm chất kém... Bản chất của việc này là giảm biên chế cơ học.
Qua khảo sát và nghe báo cáo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, đánh giá: Việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt, xuất hiện nhiều điểm sáng. Đúng tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW giảm biên chế nhưng kết hợp với tăng chất lượng. Nếu chỉ giảm đơn thuần mà không làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ tốt hơn thì không đúng với Nghị quyết của Đảng. Đến nay, bộ máy biên chế của Bộ khá tinh gọn và hiệu quả.
Tại buổi khảo sát, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Đặc biệt, thời gian vừa qua là một giai đoạn hết sức khó khăn: dịch bệnh Covid 19, kinh tế đất nước suy giảm, công nhân thất nghiệp và nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Nhưng đây cũng là một “phép thử” đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trước khó khăn chung đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân trong đại dịch, nhất là những chính sách về lao động, người có công và các đối tượng yếu thế.
Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng và phát triển kinh tế - xã hội thích ứng an toàn và linh hoạt phục hồi hồi kinh tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã thực hiện một loạt đề án liên quan đến người lao động như dạy nghề, việc làm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức
Báo cáo về công tác quản lý biên chế, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cho biết: Năm 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao 683 biên chế công chức (giảm 55 người so với năm 2017; giảm 65 người so với năm 2015). Tính đến thời điểm 30/6/2021, số biên chế công chức thực tế có mặt là 617 người; số biên chế còn lại, Bộ đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức bằng hình thức thi tuyển năm 2022; đồng thời, thực hiện tiếp nhận các trường hợp có kinh nghiệm công tác vào vị trí chuyên môn, lãnh đạo quản lý.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tổ chức bộ máy và số lượng người làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ được kiện toàn theo hướng tinh gọn hơn, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Việc bố trí, sắp xếp viên chức của các đơn vị cơ bản phù hợp với vị trí việc làm, trình độ chuyên môn, qua đó đã phát huy được năng lực, sở trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
“Đơn cử như lĩnh vưc giảm nghèo do Bộ phụ trách nhưng không thể trực tiếp làm được. Hay vừa qua, lực lượng lao động thiếu do dịch bệnh Covid-19, về quản lý Nhà nước thì là trách nhiệm của Bộ, nhưng tại địa bàn lại là do các địa phương. Một số lĩnh vực khác Bộ là cơ quan xây dựng chính sách nhưng tổ chức thực hiện chính sách là do các địa phương, trong đó cụ thể như Nghị quyết 68/NQ-CP” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dẫn chứng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Mục tiêu chúng ta hướng tới an sinh xã hội toàn dân, nâng cao mặt bằng an sinh, phúc lợi xã hội. Nhưng muốn đạt được mục tiêu mọi người dân có quyền tham gia và thụ hưởng chính sách thì lực lượng làm công tác an sinh phải ổn định mới có thể làm tốt nhiệm vụ. Ví dụ như trong thời gian đại dịch Covid-19, có nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ phải làm việc đến đêm, tinh thần "chưa xong việc chưa về nhà" để kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Trung ương những quyết sách hỗ trợ toàn dân chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Thời gian tới, tinh thần sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là sẽ tự chủ, tự chủ càng sớm càng tốt. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng giảm cấp trung gian, tinh gọn bộ máy bên trong các đơn vị thuộc Bộ: không tổ chức phòng trong Vụ; chuyển đổi mô hình 01 Cục thành Vụ và giảm 03 đầu mối thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; sắp xếp, sáp nhập các phòng chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng, giảm tối đa phòng hỗ trợ, phục vụ dự kiến giảm 18/76 phòng (tương ứng giảm 23,7%) tại các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ.
Thay mặt Đoàn Khảo sát, đồng chí Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh công tác chuẩn bị cho buổi làm việc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã bám sát hướng dẫn, kế hoạch khảo sát của Ban Chỉ đạo; thông tin trong báo cáo dày dặn, phong phú, đúng yêu cầu đề ra, nhiều thông tin.
“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần đưa ra những kiến nghị với Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương để kịp thời tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trên tinh thần thực hiện nghiêm các chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị về biên chế và tổ chức cán bộ cũng như sát với tình hình thực tiễn đơn vị; yêu cầu đặt ra là gọn bộ máy nhưng chất lượng phải tinh, hiệu quả tốt” – đồng chí Nguyễn Hòa Bình, đề nghị.
Trần Thắng
TAG: