An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Báo chí – phương tiện truyền thông lan tỏa tích cực lĩnh vực công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu
03:28 PM 13/09/2019
(LĐXH)-Trong 2 ngày 12 – 13/9/2019, tại Hải Dương, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức Hội thảo Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự và chủ trì Hội thảo, có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Tô Đức – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; cùng các đại biểu đại diện cho các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, một số Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các nhà khoa học, các chuyên gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học liên quan, cùng hơn 100 quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tới dự và đưa tin.
Bàn Chủ tọa
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm bởi nó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu, cũng đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.
Thống kê trong 10 năm gần đây cho thấy, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ tính riêng năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền trong cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng..., gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm gần 300 người chết và mất tích.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH. Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH , tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Để thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP năm 2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW với mục tiêu đến 2020, về cơ bản chủ động được trong thích ứng với BĐKH , phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Mới đây nhất, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực hành động, hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với BĐKH như: Tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức để thay đổi hành vi của người dân trong ứng phó với BĐKH; Đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật; Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát triển nguồn nhân lực về ứng phó với BĐKH; Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với BĐKH...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội (CTXH) tích cực hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân để ứng phó với BĐKH; nghiên cứu các giải pháp phát triển CTXH thích ứng với BĐKH cũng như các vấn đề cần lưu lý cần thiết với các cơ quan truyền thông trong lĩnh vực này. Đồng thời nghị các đại biểu tham gia hội thảo tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề liên quan, đề xuất các giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác triển khai chính sách giúp người dân chủ động thực sự ứng phó với BĐKH trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Vũ Hồng Khiêm - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương
GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 
Tại hội nghị, PGS.TS. Bùi Thế Đồi - Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, BĐKH là vấn đề môi trường đã và đang được xã hội ngày càng quan tâm, không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống hiện tại của con người trên trái đất mà còn đe dọa đến môi trường sống của con người trong tương lai. BĐKH tác động tới tất cả các vùng miền trên lãnh thổ, các lĩnh vực về tài nguyên, môi trường và kinh tế – xã hội, nhưng trong đó các vùng ven biển, tài nguyên nước, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu tác động mạnh nhất. Tại Việt Nam, BĐKH không những làm nhiệt độ trung bình tăng, lượng mưa thay đổi, nước biển dâng mà các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra bất thường. Thực tế này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn. Do vậy, Việt Nam cần sử dụng có hiệu quả CTXH thích ứng với BĐKH.
PGS.TS. Bùi Thế Đồi - Trường Đại học Lâm nghiệp 
Theo TS. Phạm Thị Huế - Trường Đại học Lâm nghiệp, CTXH có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp người dân thích ứng với BĐKH trên các mặt như:  Cung cấp các dịch vụ can thiệp hoặc hỗ trợ trực tiếp như tham vấn, quản lý CTXH với các cá nhân, CTXH với nhóm và phát triển cộng đồng chịu hậu quả của BĐKH; Điều phối, kết nối, chuyển gửi các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do hậu quả của BĐKH và có nhu cầu hỗ trợ đến các dịch vụ, nguồn lực phù hợp; Làm việc với các tổ chức xã hội và hệ thống xã hội, tạo thay đổi hỗ trợ cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có khó khăn do chịu tác động từ BĐKH. Ngoài ra, CTXH còn tham gia thực hiện quản lý các dịch vụ hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc giải quyết hậu quả của BĐKH; tham gia vào xây dựng và vận động chính sách hỗ trợ; Tham gia các nghiên cứu chính sách và phát triển mô hình dịch vụ phù hợp đối với các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng tại nơi chịu ảnh hưởng của BĐKH.
ThS. Nguyễn Thanh Hương - Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH chia sẻ thông tin
Trình bày tham luận về “Nâng cao năng lực nhóm nòng cốt trong phát triển cộng đồng để ứng phó với BĐKH”, ThS. Nguyễn Thanh Hương – Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH nhấn mạnh: CTXH là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ, giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ. Đối với ứng phó với BĐKH, CTXH tập trung vào các vấn đề: Sức khỏe của người dân(Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần); An toàn của xã hội; Các vấn đề an sinh của người dân; Các tổn thương của các nhóm yếu thế như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tậ, người có bệnh nan y, những gia đình nghèo, nhóm người di cư. Cùng với đó, CTXH thực hiện chức năng hỗ trợ cho cá nhân và gia đình trước, trong và sau thảm họa; Kết nối nhu cầu cá nhân tới các nguồn lực và giúp thân chủ tiếp cận nguồn lực; Ngăn ngừa tính trạng suy giám sức khỏe tinh thần và thể chất; Ngăn ngừa nguy cơ tan vỡ trong các gia đình, nhóm cộng đồng, tổ chức; Can thiệp để thay đổi hệ thống ở cấp đã vi mô và vĩ mô để cải thiện an sinh cho người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Trung tâm Cung cấp Dịch vụ CTXH Hà Nội
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Minh-Giám đốc Trung tâm Cung cấp Dịch vụ CTXH Hà Nội nhấn mạnh: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả đó chính là thực hiện có hiệu quả chức năng nghề công tác xã hội trong phòng chống biến đổi khí hậu. Khi có thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn có ảnh hưởng đến địa bàn công tác (hoặc sự chỉ đạo của Lãnh đạo địa phương), nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) phải chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tại địa phương thông báo kịp thời cho người dân biết, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng tránh thiệt hại khi thiên tai xảy ra một cách chủ động. Khi thiên tai xảy ra phải cùng với các lực lượng địa phương để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, kịp thời thống kê thiệt hại về người, tài sản, hoa màu… để tham mưu cho lãnh đạo địa phương có các biện pháp trợ giúp kịp thời. Trong phòng chống thiên tai NVCTXH phải tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ đó là: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Đối với vấn đề đào tạo phát triển nghề CTXH thích ứng với BĐKH, TS. Bùi Tôn Hiến –  Hiệu trưởng Trường Đào tạo tạo bồi dưỡng Cán bộ công chức lao động xã hội nhấn mạnh: Các chính sách và hoạt động ASXH, BTXH và đặc biệt là trợ giúp xã hội cần quan tâm, nhìn nhận và lồng ghép yếu tố tác động của BĐKH…Mặt khác, các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu toàn diện, đầy đủ nội dung tác động của BĐKH đến các nhóm đối tượng để đưa vào chương trình đào tạo nghề CTXH một cách phù hợp. Lồng ghép nội dung tác động của BĐKH lồng ghép vào chương trình đào tạo. Sớm tổ chức nghiên cứu đánh giá thực trạng nhu cầu đào tạo liên quan đến tác động của BĐKH với các đối tượng yếu thế. Từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
TS. Bùi Tôn Hiến –  Hiệu trưởngTrường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức lao động xã hội trình bày các vấn đề liên quan đến đào tạo phát triển nghề CTXH
Còn theo TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội, BĐKH đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.  Các vấn đề được xác định sẽ chịu nhiều tác động của BĐKH như thiên tai, bão lụt, hạn hán, nước biển dâng, dẫn đến mất mùa, mất nguồn thu nhập và mất việc làm, thất nghiệp, dễ rơi vào tình trạng nghèo đói, làm gia tăng nhu cầu trợ giúp xã hội. BĐKH đang và sẽ tiếp tục là thách thức làm cản trở, kìm hãm quá trình phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam.
TS. Trần Ngọc Diễn cho biết, thời gian qua, việc tuyên truyền về nghề CTXH nói chung, CTXH trong thích ứng với BĐKH nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch truyền thông phát triển nghề CTXH; xây dựng và vận hành website phát triển nghề CTXH địa chỉ http://congtacxahoi.molisa.gov.vn và ký kết hợp đồng với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng, phát hành các tin, bài, ảnh, phóng sự, ấn phẩm truyền thông phát triển nghề CTXH.
Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục;  nhiều báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình đã thành lập chuyên mục riêng về CTXH, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về CTXH.
TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội nhấn mạnh về vai trò quan trọng của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về CTXH và biến đổi khí hậu
Công tác tuyên truyền được thực hiện có hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về CTXH và biến đổi khí hậu. Các cơ quan báo chí đã tuyên truyền, phổ biến về chương trình hành động, kết quả hoạt động về phát triển công tác xã hội; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguy cơ và thách thức đặt ra…
Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nghề CTXH thích ứng với BĐKH, TS. Trần Ngọc Diễn đề nghị Cục Bảo trợ và các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát triển nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu một cách thường xuyên, có định hướng đúng về những vấn đề liên quan đến CTXH và BĐKH, , giúp cộng đồng biết, kịp thời chủ động thích ứng, phòng tránh, hạn chế thấp nhất tác hại do BĐKH gây ra. Đối với các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền nhằm tăng cường sự tác động nhiều chiều đến sự phát triển nghề công tác xã hội; chú trọng truyền thông những vấn đề nổi cộm, hạn chế đang cản trở sự phát triển mạng lưới CTXH... cần chú trọng tập huấn, đào tạo đội ngũ phóng viên chuyên về xã hội có kiến thức và kỹ năng cơ bản, nhất là đội ngũ bình luận và phân tích chuyên sâu về CTXH và các vấn đề xã hội để có thể nâng cao chất lượng các tác phẩm truyên truyền về lĩnh vực CTXH thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần tăng cường sử dụng hiệu quả các kênh truyền thông; Đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông để có sự thống nhất, tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả cao. Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng ở cả trung ương, địa phương. Tập trung xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo, đài để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về nghề CTXH thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin, truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác. 
Ông Nguyễn Trung Chính – Q.Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội phát biểu
Ông Nguyễn Trung Chính – Q.Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội phát biểu: Dưới góc độ là những người làm báo của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, chúng tôi xác định việc truyền tải thông tin về vấn đề BĐKH, đặc biệt là vấn đề CTXH thích ứng đối với BĐKH là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.  Để truyền tải tới các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể và cả hệ thống chính trị, báo chí về vấn đề nói trên, các cơ quan báo chí cần nhanh nhạy, thường xuyên tiếp cận nhanh đối tượng, bám sát cơ sở, phối kết hợp tích cực với quản lý Nhà nước để phát huy hiệu quả hơn trong công tác thông tin. Q. Tổng Biên tập Nguyễn Trung Chính cũng khẳng định: Báo chí rất thuận lợi là có thể tận dụng phương tiện truyền thông hiện đại trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và những kiến thức được cập nhật từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và từ thực tiễn được trải nghiệm. Vì vậy nên chọn những đề tài có sức lan tỏa, có thể phản ánh chính sách đối với người dân, đăng tải những kinh nghiệm ứng phó đối với BĐKH, vai trò về CTXH đối với việc thích ứng với BĐKH một cách nhanh nhất, thường xuyên nhất và hiệu quả nhất.
TS. Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS.Tô Đức cũng đánh giá cao vai trò của các cơ quan báo chí trong việc tham gia thúc đẩy CTXH nói chung và CTXH thích ứng với BĐKH nói riêng. Đồng thời cho biết, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, đây là văn bản pháp lý chính thức đầu tiên quy định phát triển nghề CTXH ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà cồn ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực và trên toàn thế giới. tác động của biến đổi BĐKH rất đa dạng, gây ra nhiều hiện tượng khác nhau như bão, lũ, lụt đến khô, hạn, nước biển dâng… ảnh hưởng lớn đến quá trình  phát triển kinh của đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Thời gian quan, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai. Trong chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương đều có hoạt động phòng, chống thiên tai. Riêng đối với CTXH thích ứng với BĐKH cũng có chức năng phòng ngừa thiên tai, có vai trò trợ giúp người dân giảm thiểu, ứng phó, can thiệp, phục hồi xử lý sau thiên tai. Nhân viên công tác xã hội đóng vai trò phát triển giúp người dân xử lý vấn đề của mình như: hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao năng lực giúp người dân chủ động thích ứng; vận động kết nối điều phối quyền lực giúp người dân ứng phó với thiên tai; truyền thông và phát triển cộng đồng. Để nâng cao hiệu quả CTXH thích ứng với BĐKH ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về BĐKH và giải pháp ứng phó. Từ đó giúp người dân và cộng đồng chủ động có các giải pháp thích ứng với  BĐKH và đảm bảo an sinh xã hội.
Các đại biểu và phóng viên
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe các tham luận của GS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn - Viên Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam về kinh nghiệm phát triển nghề CTXH thích ứng với BĐKH của Cộng hòa Liên bang Nga và gợi ý cho Việt Nam; đại diện Tạp chí Người làm báo trình bày về góc nhìn của báo chí về BĐKH và một số kiến nghị cùng nhiều tham luận ý nghĩa khác.
Ban Tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả, phóng viên báo chí
Cũng tại hội nghị, các đại biểu và phóng viên báo chí đã được đi tìm hiểu thực tế về lĩnh vực CTXH với biến đổi khí hậu tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần, người có công và xã hội Hải Dương, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt, bão tỉnh Hải Dương. Ban Tổ chức Hội thảo cũng phát động cuộc thi viết về chủ đề “CTXH thích ứng với BĐKH”./.

Nhóm Phóng viên
TAG:
Tin khác
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Chương trình 'Tết cho trẻ em nghèo' trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội