Bàn về nguyên nhân trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt
Theo thống kê, hiện nay, nước ta có khoảng 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (HCĐBKK), bao gồm trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tình trạng trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em trở thành mồ côi hoặc bị bỏ rơi do nghèo đói, do tác động của HIV/AIDS, do đổ vỡ gia đình (cha mẹ ly dị), do hiện tượng sinh con ngoài ý muốn ở các phụ nữ trẻ tiếp tục gia tăng và thiếu khả năng tiếp cận với một hệ thống phúc lợi xã hội có tính phòng ngừa hiệu quả.
Xác định và phân tích nguyên nhân trẻ em rơi vào HCĐB
Có rất nhiều nguyên nhân gây lên tình trạng trẻ em đặc biệt, đối với những nhóm trẻ khác nhau thì có những nguyên nhân chung và nguyên nhân riêng đặc thù. Có thể chia làm 2 nhóm nguyên nhân:
a) Nhóm nguyên nhân khách quan:
- Nguyên nhân về kinh tế:
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường khó tránh khỏi sự phân hoá giàu nghèo, phân hoá xã hội. Gốc rễ của vấn đề này là qui luật cạnh tranh, một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng và bộ phận dân cư khác không đủ sức cạnh tranh sẽ bị rơi vào tình trạng nghèo, nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Sự chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng dẫn đến làm gia tăng trẻ em lang thang kiếm sống, lao động trẻ em và trẻ em bị xâm hại tình dục... Mặt khác, lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền làm một số giá trị đạo đức xã hội bị đảo lộn: li dị, li thân, bỏ rơi con cái, mức độ quan tâm của cộng đồng, làng, xã đối với trẻ em ngày càng giảm sút. Trẻ em thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, do vậy tình trạng bỏ nhà ra đi, trộm cắp, bụi đời, nghiện hút ngày càng gia tăng ở lứa tuổi các em.
Cũng do kinh tế phát triển, mức sống dân cư tăng, chi phí cho các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nước sạch... và các chi phí vui chơi giải trí cho trẻ ngày càng tăng. Thêm vào đó, nghèo đói ngày càng gay gắt, bộ phận dân cư nghèo không đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của trẻ, hiển nhiên những đứa trẻ này có xu hướng bỏ học, đi làm, đi lang thang...
- Nguyên nhân về điều kiên tự nhiên:
Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, hàng năm gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân dẫn đến cảnh đói nghèo, dịch bệnh, người chết, tàn tật, mất tích..., trong số đó có không nhỏ trẻ em bị mồ côi, tàn tật, mắc bệnh, thiếu ăn, phải đi lang thang... Địa hình phức tạp, chia cắt các vùng, hạ tầng cơ sở cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch... là những nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng khó khăn của nhân dân và trẻ em, biểu hiện của sự thiếu thốn là những quyền cơ bản của trẻ em chưa được đảm bảo và trẻ rơi vào tình trạng có HCĐBKK.
Thiên tai và ảnh hưởng của thiên tai có xu hướng phức tạp hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tác động mạnh, phạm vi rộng và đa dạng hơn. Các dạng rủi ro khác chưa được đề cập rõ ràng, thiếu hướng dẫn như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đuối nước nên khó thực hiện ở cơ sở.
- Nguyên nhân về chiến tranh:
Chiến tranh để lại hậu quả nặng nề, thương tật, bệnh tật, nhiều đứa trẻ mất cha, mất mẹ trở thành mồ côi, không có người thân chăm sóc phải lao động sớm, lang thang kiếm sống và là những nguyên nhân chính gây lên trẻ em tàn tật bẩm sinh. Hiện còn hàng vạn tấn bom đạn chưa nổ nằm rải rác trên một số đồng ruộng, cánh rừng, sông ngòi, ao hồ và các khu dân cư trên đất nước ta là nguyên nhân dẫn đến hàng nghìn trẻ em bị thương tật vĩnh viễn. Chất độc hoá học do Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam cũng là một nguyên nhân quan trọng gây lên tàn tật, không những ảnh hưởng đối với những người trực tiếp sống trong thời kỳ chiến tranh mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ gián tiếp và qua nhiều thế hệ. Hậu quả chất độc hoá học trong chiến tranh còn kéo dài cho nhiều thế hệ và để lại gánh nặng cho xã hội mà đối tượng gánh chịu trực tiếp là số trẻ em tàn tật được sinh ra.
b) Nhóm nguyên nhân chủ quan:
- Nhận thức về vấn đề trẻ em có HCĐB còn hạn chế:
Không chỉ riêng nhận thức của trẻ em, gia đình mà còn cả xã hội về vấn đề trẻ em có HCĐB còn nhiều hạn chế, chưa thấy được trách nhiệm tổ chức thực hiện và nguy hại đối với xã hội, đặc biệt là mối quan hệ gắn liền với vấn đề trẻ em có HCĐB với phát triển nguồn nhân lực cao trong tương lai. Sự thiếu hụt về đầu tư của Nhà nước vào một số vùng, địa phương, sự thiếu quan tâm của các cấp, chính quyền, sự thiếu trách nhiệm của một số bậc cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, sự nhạy cảm của trẻ em với môi trường sống đang là những nguyên nhân làm cho tình trạng trẻ rơi vào HCĐB ngày càng tăng.
- Những nguyên nhân thuộc về gia đình:
Những biến đổi nhanh chóng của sản xuất, đời sống, giao thông liên lạc, thông tin đại chúng... đang làm thay đổi những mối quan hệ của con người trong gia đình và xã hội. Hiện tượng li hôn, li thân, sinh con ngoài giá thú, bỏ rơi con... không còn là cá biệt mà đã trở thành phổ biến tăng lên nhiều lần trong những năm qua. Một số bậc cha mẹ khác do phải lo kinh tế thiếu sự chăm sóc, bỏ mặc con cái khi các em bỏ học hoặc đi lang thang, kiếm sống, bụi đời... Một số khác có xu hướng khuyến khích con cái bỏ học đi làm nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình và bớt gánh nặng về kinh tế. Số gia đình khác do quá nghèo hoặc bệnh tật, sức khoẻ yếu... không đủ điều kiện để chăm sóc hoặc cho con đi học...
Ngoài ra, một số gia đình bố mẹ quá khắt khe, cư xử thô bạo, hắt hủi con cái làm chúng sợ hãi, xa lánh... Chính sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu biện pháp quản lý trong việc chăm sóc con cái của một số bậc cha mẹ và gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng trẻ em có HCĐBKK.
- Những nguyên nhân thuộc về chính bản thân các em:
Đây là những nguyên nhân chủ quan thuộc về chính bản thân các em, trong điều kiện môi trường sống khó khăn và nhiều cạm bẫy, ý thức vượt khó của trẻ giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Trên thực tế đã có không ít trẻ không chịu được sức ép, sự cám dỗ của môi trường sống, sức ép kinh tế, không chịu học tập, tu dưỡng, rèn luyện, ăn chơi, đàn đúm hoặc bỏ nhà đi lang thang chạy theo lối sống đua đòi, mắc vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... trở thành những trẻ em có HCĐBKK.
- Nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách và sự quản lý của Nhà nước:
Một trong những nguyên nhân quan trọng ở đây là do Nhà nước thiếu một hệ thống chính sách đồng bộ về đầu tư, giáo dục, y tế, chính sách xã hội. Sự thiếu hụt chính sách xã hội đi cùng với việc đầu tư không đồng bộ dẫn đến sự chênh lệch mức sống giữa các vùng, các địa phương, làm gia tăng số trẻ em lang thang từ nông thôn ra thành thị. Sự thiếu biện pháp mạnh trong công tác quản lý cộng đồng dân cư làm gia tăng tệ nạn xã hội, kéo theo trẻ em nghiện ma tuý, lao động trẻ em, trẻ em lang thang, trẻ em làm trái pháp luật ngày một tăng.
Chủ trương phân cấp quản lý Nhà nước chưa được làm triệt để, một số địa phương khó khăn, nghèo có tư tưởng trông chờ vào sự trợ cấp của Nhà nước dẫn đến nhiều chính sách và giải pháp chưa được tổ chức thực hiện và cũng không phải chịu trách nhiệm. Trong vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng bị một tình trạng chung như vậy hay nói cách khác là hiệu lực pháp luật chưa cao. Ngoài ra, ở một số địa phương, cơ sở thiếu sự quan tâm chỉ đạo hoặc quan tâm chưa đúng mức cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng trẻ em có HCĐB. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp thiếu ở hầu hết các địa phương, nhất là ở miền núi và nông thôn, vùng có khó khăn về kinh tế. Ngoài ra, trẻ em rơi vào tình trạng ĐBKK còn do một số nguyên nhân khác như khuyết tật bẩm sinh, bệnh tật của bố, mẹ di truyền, dịch bệnh, lạm dụng thuốc chữa bệnh, hoá chất bảo vệ lương thực và thực phẩm, tai nạn giao thông...
c) Một số nguyên nhân khác
- Thiếu sự phối hợp giữa các ngành: Mặc dù đặt ra yêu cầu lồng ghép hoạt động, song không thể thực hiện được do sự phối hợp giữa các ngành/cơ quan khá hình thức. Kết quả của quá trình này là việc hình thành vô số ban chỉ đạo ở các cấp và nhiều ban chỉ đạo rất hình thức, không có vai trò rõ nét trong việc thực thi chính sách, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
- Tư duy xây dựng chính sách: Dường như mỗi sự điều chỉnh chính sách để gắn với một văn bản qui định và mỗi văn bản ban hành chỉ để thay đổi một vài điểm của chính sách.
Tóm lại, tình trạng trẻ em có HCĐBKK đang là vấn đề xã hội bức xúc, do nhiều nguyên nhân gây ra. Có những nguyên nhân do nội tạng mang tính bản chất của vận động và phát triển kinh tế thị trường, cũng có những nguyên nhân thuộc về chính bản thân người lớn, bản thân các em, thuộc về nhận thức và về cơ chế, chính sách...
Xu hướng trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB
Việt Nam rất quan tâm tới công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và trợ giúp trẻ em, là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Trong những năm qua, Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời điều chỉnh mọi quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực trợ giúp; đồng thời từng bước tham gia, phê chuẩn, thực hiện các cam kết quốc tế và xây dựng pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB hài hòa, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực, quốc tế. Đó là những cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, vững chắc cho việc trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB, bảo đảm cho các em có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, là chủ nhân tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB hiện nay cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, làm rõ cả về phương diện lý luận và thực tiễn triển khai, cụ thể như: (i) Có rất ít các công trình nghiên cứu khoa học pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB; (ii) Chưa có những nghiên cứu, rà soát, phân tích, đánh giá tổng thể, toàn diện thực trạng pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB trong khi chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế cuộc sống, tính ổn định, tính khả thi thấp, nhiều nội dung phát sinh trong quan hệ trợ giúp xã hội đối với trẻ em chưa được điều chỉnh; (iii) Thiếu các mô hình lý luận và giải pháp hoàn thiện pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB một cách hiệu quả, bền vững.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế, Việt Nam cần đổi mới pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB theo hướng chú trọng, thúc đẩy hoạt động phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm, trợ giúp đối tượng sinh sống tại gia đình, cộng đồng; thu hẹp sự cách biệt với cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển, hoà nhập cộng đồng của đối tượng; tăng cường sự kết nối hệ thống và bảo đảm phát triển bền vững; cần phát triển các dịch vụ công về trợ giúp xã hội, phát triển các dịch vụ công tác xã hội và đổi mới cơ chế trợ giúp xã hội.
Đứng trước những yêu cầu của đổi mới, việc nghiên cứu cũng như phải làm rõ các cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn; đề xuất mô hình lý luận và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có HCĐB ở Việt Nam là hết sức cần thiết.
Tô Đức
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội
TAG: