Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Ban Kinh tế Trung ương khảo sát công tác xuất khẩu lao động tại tỉnh Lạng Sơn
06:09 PM 15/07/2022
(LĐXH)- Ngày 14/7/2022, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn về tình hình thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.
Cuộc làm việc này nhằm nắm rõ những thuận lợi, khó khăn trong công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài của tỉnh, từ đó nhằm phục vụ tổng kết Chỉ thị số 16-CT/TW sau 10 năm triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu triển khai Chỉ thị. Tỉnh ủy đã ban hành văn bản quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ năm 2013 đến tháng 6 năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 1.834 lượt người đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có 1.735 người là dân tộc thiểu số, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và quân nhân xuất ngũ. Nơi làm việc chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Các thị trường tiếp nhận khác có phát sinh nhưng không đáng kể. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một lượng người lao động làm việc tại thị trường Trung Quốc theo ký kết “Thỏa thuận hợp tác lao động qua biên giới” giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) với thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc).
Cơ bản người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và theo hình thức đăng ký hợp đồng cá nhân. Thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động tại các thị trường từ 18 – 30 triệu đồng/tháng (tùy từng thị trường lao động). Sau khi đi làm việc ở nước ngoài về, điều kiện kinh tế của gia đình người lao động được cải thiện đáng kể.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, từ đó chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được nâng lên qua từng năm.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn một số hạn chế như: trình độ dân trí của người dân trên địa bàn không đồng đều, tay nghề, kỹ năng lao động của người lao động rất hạn chế, vì vậy trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW gặp rất nhiều khó khăn nhất là thay đổi tư duy nhận thức của người lao động theo hướng hội nhập; công tác quản lý, theo dõi số lao động đi làm việc ở nước ngoài được gia hạn hợp đồng theo quy định còn khó khăn; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý doanh nghiệp và người lao động vẫn còn hạn chế…
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương cùng với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi, làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung trao đổi, thảo luận nhiều về công tác quản lý các doanh nghiệp, công ty đào tạo và chuyển giao lao động; công tác quản lý, hỗ trợ người lao động trước và sau khi đi làm việc tại nước ngoài; công tác quản lý người lao động khu vực giáp biên giới… Đồng thời đề xuất những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên làm rõ thêm một số kết quả công tác đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên, khẳng định: Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh chỉ đạo các lực lượng liên quan triển khai, thực hiện quyết liệt đó là ngăn chặn người dân xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì so với nhiều địa phương khác trên cả nước, số lượng người lao động của tỉnh làm việc tại nước ngoài không lớn. Vì vậy, tỉnh xác định sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài, trong đó tập trung triển khai tại các huyện khó khăn của tỉnh. Cùng đó, tỉnh cũng tập trung đào tạo một nghề đặc thù, nghề có kỹ thuật cao để cung ứng nguồn nhân lực lao động tại một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Qua đó góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là đối với thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Thông qua Đoàn công tác, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, đó là: đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư nguồn lực hỗ trợ người lao động địa phương (cả khu vực thành thị và nông thôn) được đào tạo nghề, kỹ năng để có thể tham gia hội nhập và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đề nghị Chính phủ nghiên cứu và tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài; đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng sau khi tổng kết thực hiện Chỉ thị số 16 tiếp tục ban hành chỉ thị mới về công tác này…
Thay mặt Đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2021 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” của tỉnh Lạng Sơn. Cùng đó đồng chí cũng chia sẻ về một số giải pháp triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài của một số địa phương khác trên cả nước.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trao đổi về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đồng chí Trưởng đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đề nghị: Để thực hiện có hiệu qủa Chị thị số 16-CT/TW, trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tham gia chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quan tâm công tác định hướng và đào tạo nghề cho người lao động; tiếp tục thành lập khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục chú ý công tác tạo việc làm tại chỗ; tiếp tục quan tâm công tác tạo việc làm cho lao động xã khó khăn, xã biên giới…
Trước đó, sáng ngày 14/7/2022, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đi khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo huyện Hữu Lũng về tình hình thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2021 của Ban Bí thư khóa XI. Ngoài làm việc với lãnh đạo huyện Hữu Lũng, Đoàn công tác đã gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với một số người lao động đã đi lao động tại nước ngoài hiện đã trở về và một số lao động chuẩn bị đi lao động ở một số nước trong thời gian tới. Trong đó, các thành viên Đoàn công tác tìm hiểu nhiều những khó khăn, thuận lợi trong quá trình đi lao động ở nước ngoài; những chi phí các công ty tuyển dụng lao động thu đối với những người lao động chuẩn bị đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng…

Chí Tâm – Anh Tuấn

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững