Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bạch Thông quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng
06:42 PM 02/08/2021
(LĐXH)- Thời gian qua, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", “Uống nước nhớ nguồn” đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) quan tâm chăm lo và từng bước giải quyết một cách cơ bản những nhu cầu thiết yếu về đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, huyện Bạch Thông hiện có 2.582 đối tượng người có công. Huyện đang trợ cấp hàng tháng cho hơn 400 đối tượng với số tiền chi trả là 856,6 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, kinh phí thực hiện các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn là hơn 11 tỷ đồng...
Trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Hiến, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Bạch Thông cho biết: Nhiều năm qua, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc, Phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo cho gia đình chính sách bằng nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc, tinh thần tương thân tướng ái, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng gặp khó khăn trong cuộc sống được quan tâm sâu sắc.

Đồng chí Ma Từ Đông Điền, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn thăm, tặng quà người có công tại thôn Nà Ít, xã Vi Hương (huyện Bạch Thông) dịp 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ

Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" được đa dạng hóa về hình thức và có chất lượng, đi vào từng đối tượng chính sách cụ thể, thông qua vận động nguồn lực, đóng góp ngày công xây dựng, tu sửa nhà tình nghĩa, các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của các gia đình chính sách; trao tặng sổ tiết kiệm, tổ chức thăm hỏi và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia đảm nhận các phần việc thanh niên chăm sóc, giúp đỡ thương bệnh binh, mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn, con thương binh liệt sĩ.
Đến nay, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành đạo lý, nét văn hóa cao đẹp, trách nhiệm của các thế hệ ở Bạch Thông đối với những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn tổ chức nhiều việc làm thiết thực để tỏ lòng ghi nhớ, tri ân những thương binh, liệt sỹ đã hy sinh sương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tổ chức phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp với số tiền hàng trăm triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các phòng, ban, ngành chức năng đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như: thăm, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc cho thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn, thương, bệnh binh nặng…
Chỉ tính trong dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021), Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Bạch Thông đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trao tặng 686 suất quà, trị giá 216,6 triệu đồng cho các đổi tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; trong đó, quà của Chủ tịch nước 470 suất, trị giá 147,6 triệu đồng; quà từ ngân sách huyện 28 suất, trị giá 21,9 triệu đồng; quà từ các ban, ngành 188 suất, trị giá 47,1 triệu đồng.
Theo Trưởng phòng Phùng Thị Hiến, không chỉ quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi với người có công, các xã, thị trấn trong huyện còn tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, thương binh có hoàn cảnh khó khăn bằng ngày công lao động, như: đào đất, cày ruộng và cấy lúa; tổ chức phát, quyét dọn xung quanh mộ liệt sĩ và quyét dọn, vệ sinh xung quanh Nhà bia ghi tên liệt sĩ…
Trước sự quan tâm, chăm sóc tận tình, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện, các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công ở Bạch Thông đã phát huy bản chất anh Bộ đội cụ Hồ, vượt lên bệnh tật và những mất mát hy sinh, phát huy tinh thần tự lực tự cường để tiếp tục xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tiêu biểu trong đó phải kể đến các ông: Hà Văn San, (người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) ở xã Quang Thuận; Vũ Xuân Thu, thương binh mất sức lao động 36% ở xã Tân Tiến; Lộc Văn Nghinh, thương binh mất sức lao động 61% ở xã Quang Thuận; Lý Thành Viên, bệnh binh mất sức lao động 61% ở thôn Khau Mạ, xã Hà Vị; Nông Phi Cơ, người nhiễm chất độc hóa học ở thôn Phiêng Mòn, xã Tân Tú; Triệu Nguyên Thanh ở thôn Lủng Lỳ, xã Cao Sơn...
Có thể nói, công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công ở Bạch Thông được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã tập trung tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, cùng chung tay giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công. Phong trào toàn dân chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tạo thành sức mạnh lan tỏa sâu rộng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người dân đối với các gia đình chính sách.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch  xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững
Doanh nhân - Thương binh Tạ Quang Uẩn: Băng qua khói lửa, vươn lên thương trường