Bắc Ninh trọn nghĩa vẹn tình với người có công
(LĐXH) - Đã thành nét đẹp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã cùng cả nước thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đặc thù đối với người có công như: chính sách hỗ trợ thêm đối với các trường hợp được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”; thân nhân thờ cúng “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” với tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng. Hiện 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cuối đời.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì và phát triển với 5 chương trình tình nghĩa, đó là: xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và giúp đỡ chăm sóc thương binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi. Nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, phù hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tạo sự lan tỏa sau rộng trong đời sống xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Hằng tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cược.
Bắc Ninh hiện có tổng số 125.413 người có công với cách mạng, trong đó có 16.486 liệt sỹ, 1.411 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 14 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 631 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa; 11.150 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 4.883 bệnh binh; 1.708 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 2.973 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 83.444 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 470 người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến…
Mỗi năm, tỉnh dành gần 100 tỷ đồng thực hiện các chính sách đặc thù riêng của tỉnh về ưu đãi, chăm sóc người có công với cách mạng. Theo đó, ngoài những chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù của tỉnh đối với người có công, nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt nhất đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng trên địa bàn. Trong đó có chính sách: Hỗ trợ các trường hợp được phong tặng, truy tặng “Mẹ Việt Nam anh hùng”, thân nhân thờ cúng “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Hiện tất cả Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng đến hết đời. Chính sách tuyển dụng con liệt sỹ, thương binh nặng từ 81% trở lên vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng; Chính sách trợ cấp hàng tháng với người có công với cách mạng tuổi từ 70 đến dưới 80; Quy định thăm, tặng quà người có công và gia đình người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, với mức hỗ trợ cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đặc biệt, từ 01/7/2020, người có công với cách mạng của tỉnh sẽ được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe 1 năm/lần (Toàn quốc là 2 năm/lần). Qua đó, góp phần thắp sáng thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của quê hương Kinh Bắc.
Chỉ tính 5 năm trờ lại đây, toàn tỉnh vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 30 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi tặng quà nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, các ngày lễ lớn, tết cổ truyền của dân tộc với tổng kinh phí hơn 167 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương hơn 112 tỷ đồng); tặng 4.161 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền gần 1,1 tỷ đồng. Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người đang sống, công tác chăm lo phần mộ, tu bổ nghĩa trang, các công trình ghi công liệt sỹ, công tác quy tập hài cốt liệt sỹ được chú trọng thực hiện.
Riêng năm 2014, tỉnh đã đầu tư gần 80 tỷ đồng xây dựng và hoàn thành Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại trung tâm thành phố Bắc Ninh. Ngoài phần kinh phí do Trung ương đầu tư, địa phương còn huy động các nguồn lực xã hội hoá với trên 35 tỷ đồng để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, nâng cấp 117 nghĩa trang liệt sỹ, nơi an táng của trên 16.000 liệt sỹ đảm bảo khang trang, sạch đẹp; tổ chức đón nhận 30 hài cốt liệt sỹ do các đoàn công tác quân đội bàn giao về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà…
Hiện tại, tất cả hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn giữ vững danh hiệu làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công…
Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, Bắc Ninh đã có nhiều kế hoạch cũng như giải pháp cụ thể, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tập trung hỗ trợ về nhà ở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách, thực hiện hiệu quả Pháp Lệnh ưu đãi Người có công… Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đang và sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Lê Minh
TAG: