Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm
(LĐXH) Trong nửa đầu năm 2018, toàn tỉnh Bắc Ninh đạt chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 13.500 lao động và đang trên đà hoàn thành kế hoạch năm. Kết quả này đến từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, thúc đẩy thị trường lao động, tăng cường liên kết giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp…Riêng lĩnh vực xuất khẩu lao động của tỉnh đang gặp khó bởi lệnh tạm dừng tiếp nhận từ thị trường Hàn Quốc.
Từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch, điều tra, thu thập lưu trữ thông tin thị trường lao động; thẩm định hồ sơ hỗ trợ đào tạo sử dụng lao động tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm đối với công tác tạo nguồn lao động, tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động… Những hoạt động đó góp phần vào kết quả giải quyết việc làm. Theo thống kê, nửa đầu năm 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 13.500 lao động (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); phê duyệt 230 dự án cho vay giải quyết việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị còn 3,0%.
Nổi bật trong công tác giải quyết việc làm thời gian qua là việc tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Sở LĐ-TB&XH đã trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch hợp tác, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp về lĩnh vực này. Thời gian qua cũng ghi nhận sự chủ động của các trường nghề trong đổi mới chương trình giảng dạy gắn với nhu cầu doanh nghiệp và tìm đầu ra việc làm cho học sinh, sinh viên thông qua hình thức hợp đồng liên kết đào tạo, tuyển dụng sau đào tạo với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Hoạt động của sàn giao dịch việc làm lan tỏa rộng khắp thông qua các phiên giao dịch lưu động tới địa phương, phiên giao dịch liên kết các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động, người sử dụng lao động có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Ước tính từ đầu năm tới nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tư vấn việc làm, chính sách lao động cho hơn 10 nghìn lượt lao động; tiếp nhận đăng ký tìm kiếm việc làm cho hơn 2 nghìn lượt người, giải quyết nhu cầu tìm việc cho gần 1,5 nghìn lượt lao động.
(Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh)
Song song với công tác giải quyết việc làm, ngành LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật lao động đến với người sử dụng lao động, người lao động; thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, tình hình lao động mất việc làm, thất nghiệp để hỗ trợ kịp thời… Những nỗ lực đó góp phần giúp người lao động sớm trở lại với thị trường lao động, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Trong bối cảnh các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động, giải quyết việc làm trong nước đạt kết quả khả quan thì theo nhận định chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khó đạt kế hoạch đề ra trong năm nay (6 tháng đầu năm chỉ đưa được 469 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả xuất khẩu lao động sụt giảm là do thị trường Hàn Quốc đang thi hành lệnh cấm không tuyển dụng lao động đối với 5/8 địa phương của Bắc Ninh là: Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, trong khi đây là thị trường được nhiều người dân mong muốn sang làm việc bởi mức lương cao, đãi ngộ tốt.
Thống kê của trung tâm Lao động ngoài nước cho thấy tỷ lệ lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng của Bắc Ninh vẫn ở mức trên 30%, tập trung chủ yếu tại huyện Lương Tài và Gia Bình. Hiện Sở LĐ-TB&XH đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân đang cư trú bất hợp pháp động viên con em về nước đúng quy định; thông báo rõ những nguy cơ, rủi ro và hình thức xử phạt mà người lao động có nguy cơ mắc phải khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc… Góp phần giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người lao động về việc làm sau khi về nước, Sở phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho lao động hồi hương. Tất cả hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 30% để phía Hàn Quốc mở cửa tiếp nhận lao động trở lại.
Thống kê của trung tâm Lao động ngoài nước cho thấy tỷ lệ lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng của Bắc Ninh vẫn ở mức trên 30%, tập trung chủ yếu tại huyện Lương Tài và Gia Bình. Hiện Sở LĐ-TB&XH đang tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các gia đình có người thân đang cư trú bất hợp pháp động viên con em về nước đúng quy định; thông báo rõ những nguy cơ, rủi ro và hình thức xử phạt mà người lao động có nguy cơ mắc phải khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc… Góp phần giải quyết những băn khoăn, lo lắng của người lao động về việc làm sau khi về nước, Sở phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm dành riêng cho lao động hồi hương. Tất cả hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 30% để phía Hàn Quốc mở cửa tiếp nhận lao động trở lại.
Cùng với đó, để tránh phụ thuộc vào thị trường Hàn Quốc, tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lao động sang các thị trường truyền thống khác như: Nhật Bản, Đài Loan và mở rộng sang các thị trường mới như: Singapore, Angeri… Đây là những thị trường có chi phí sang làm việc không quá cao, mức đãi ngộ tốt, phù hợp với thể chất, trình độ và nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, người dân khi tham gia xuất khẩu lao động cần nêu cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật, quy định của hợp đồng, hồi hương đúng thời hạn nhằm tạo dựng uy tín của lao động Bắc Ninh, tạo thêm nhiều cơ hội cho những lao động khác tại quê hương được sang làm việc tại nước ngoài. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để công tác xuất khẩu lao động phát triển ổn định, tiếp tục là mũi nhọn giải quyết việc làm của tỉnh trong thời gian tới.
Hoài Phương
TAG: