Bắc Ninh: Những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm
(LĐXH) - Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, Bắc Ninh là một trong những tỉnh có sự tăng trưởng lớn, quy mô kinh tế tiếp tục mở rộng, vị thế ngày càng nâng cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng sản phẩm (GRDP) năm 2017 chiếm 3,11% GDP cả nước, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 18,6% (kế hoạch đề ra tăng 9,0-9,2%).
Có được kết quả trên là do sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành của tỉnh, trong đó có đóng góp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ở lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Bắc Ninh hiện có hơn 1,2 triệu người, trong đó khoảng 0,7 triệu người trong độ tuổi lao động. Hằng năm, toàn tỉnh có gần 12.000 người bước vào tuổi lao động, lượng cầu lao động nhìn chung tăng đều hằng năm (vì ngoài lao động tại chỗ còn có một lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến tìm việc làm). Đây là áp lực lớn đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của tỉnh. Để đạt được mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 2,4%, tương ứng mỗi năm phải sắp xếp thêm khoảng 27.000 vị trí việc làm (trong đó lao động địa phương khoảng 11.000 người).
Trước những thách thức đó, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, như: Nâng cao chất lượng nguồn lao động; Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Hỗ trợ thông tin, kết nối cung - cầu lao động; Xuất khẩu lao động sang các thị trường nước ngoài...
Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, công tác đào tạo nghề được đặc biệt chú trọng. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên kiểm tra, khảo sát và đầu tư trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đào tạo nghề, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp; thực hiện gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo và thực hành, gắn với đầu ra cho người học ngay sau khi tốt nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 43 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 2.880 giảng viên, giáo viên, trong đó có 45 tiến sĩ, 476 thạc sĩ và gần 1.000 giảng viên, giáo viên có trình độ đại học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đăng ký mở ngành mới và tổ chức đào tạo nghề, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực đào tạo. Bên cạnh việc đào tạo chính quy tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động còn được học nghề bằng nhiều hình thức đa dạng khác như: Đào tạo thường xuyên tại địa phương, tại các doanh nghiệp, các sở sở sản xuất, kinh doanh hoặc các làng nghề truyền thống. Năm 2017, tổng số học sinh, sinh viên tuyển mới tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 49.500 người, trong đó trình độ cao đẳng 3.764 người; trung cấp 4.215 người; sơ cấp 34.055 người và đào tạo dưới 3 tháng 7.466 người... Ngoài ra, còn hàng ngàn lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp, làng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khu vực. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt kỷ cương nề nếp dạy và học, thường xuyên xây dựng kế hoạch dự giờ, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh, trong đó có 39 nhà giáo đến từ 16 đơn vị tham gia.
Xác định việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là một trong những giải pháp ưu tiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, thời gian qua, Sở LĐ- TB&XH đã nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và chính sách ràng buộc doanh nghiệp trong tiếp nhận, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo vào làm việc. Doanh nghiệp cũng có thể phối hợp với các cơ sở dạy nghề bằng cách tham gia vào quá trình biên soạn chương trình, giáo trình, chấm thi thực hành; đào tạo theo đơn đặt hàng có sử dụng nguồn lực tại chỗ về trang thiết bị của doanh nghiệp; mời các chuyên gia kỹ thuật, công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề trong doanh nghiệp tham gia hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Hiện nay, với sự hỗ trợ của Dự án Elis – Italia, việc kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang được triển khai bước đầu có hiệu quả. Điểm sáng là Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Việt Nhật. Với cách làm này, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm chiếm trên 90%, cá biệt đối với nhóm nghề điện tử, điện công nghiệp, kỹ thuật tỷ lệ này là 100%.
Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ, trong năm 2017, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.487 người, trong đó khoảng 75% có việc làm sau đào tạo. Để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, ngày 20/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND phê duyệt quy định mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, trong đó có quy định về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp - chủ yếu là lao động nông thôn. Theo đó, có 27 nghề đào tạo được phê duyệt mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng khác nhau (11 nghề nông nghiệp, 16 nghề phi nông nghiệp).
Song hành với công tác đào tạo nghề, công tác giải quyết việc làm cho người lao động cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời tăng cường năng lực hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo. Trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 47 phiên giao dịch thứ 5 hàng tuần, trong đó có 01 phiên khai Xuân Đinh Dậu, 01 phiên cho lao động đi lao động nước ngoài về nước (EPS), 03 phiên giao dịch trực tuyến online với các tỉnh; Tư vấn giới thiệu việc làm cho 30.556 lượt lao động. Trong công tác xuất khẩu lao động, tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động tới các tầng lớp nhân dân, quản lý chặt chẽ công tác giới thiệu, tuyển dụng lao động, chủ động khai thác các thị trường mới. Năm 2017, toàn tỉnh đã có hơn 1.800 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tập trung ở một số thị trường trọng điểm, có mức thu nhập cao, ổn định như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong năm 2017, toàn tỉnh Bắc Ninh đã giải quyết việc làm cho 27.000 lao động, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 66%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề là gần 48,5%.
Trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh đề ra một số chỉ tiêu: Giải quyết việc làm cho 27.000 lao động; Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 3,1%; Tuyển mới đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho 43.000 người, trong đó tiếp tục thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.000 lao động nông thôn, 150 người khuyết tật, hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69%.
Để đạt được những chỉ tiêu trên, ngành LĐ-TB&XH cần thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Bắc Ninh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó xác định cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong các lĩnh vực ở các cấp trình độ; Hoàn thành Đề án xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Tiếp tục mở rộng kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong đào tạo và đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình, thực hành, thực tập...); Tăng cường cơ sở vật chất trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại hóa, tiếp cận các công nghệ tiên tiến mà doanh nghiệp đang áp dụng trong sản xuất, kinh doanh; Làm tốt công tác dự báo, chủ động trong việc mở mã ngành đào tạo mới phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, nâng cao chất lượng lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường lao động, xây dựng các giải pháp cung ứng đủ nguồn lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, góp phần tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động, thực hiện hiệu quả chính sách lao động, việc làm./.
Đinh Văn Duân –Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh
TAG: