Bắc Kạn sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU về giảm nghèo bền vững
Sáng 26/3/2019, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Phạm Duy Hưng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện mục tiêu Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của hệ thống chính trị. Hệ thống văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện được ban hành đầy đủ, đảm bảo hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo được các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành triển khai tốt, thông qua đó giúp cán bộ, người dân và người nghèo thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm về công tác giảm nghèo.
Kết quả sau 3 năm (2016 – 2018) tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,40% năm 2016 xuống còn 21,88% năm 2018 (giảm 7,52%). Bình quân mỗi năm giảm 2,51%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 12% năm 2016 xuống còn 11,82% (giảm 0,18%).
Nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 là 502 tỷ đồng, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi 1.918 tỷ đồng, hỗ trợ vay vốn cho 18.875 hộ nghèo, 5.758 hộ cận nghèo, 716 hộ mới thoát nghèo. Có 2.970 hộ vay vốn giải quyết việc làm; 10.373 hộ vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường. Giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động; tổ chức dạy nghề cho 5.552 lao động nông thôn. Hơn 618.600 lượt đối tượng chính sách xã hộ được hỗ trợ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế; 887.471 lượt người nghèo được khám chữa bệnh... Các dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như Chương trình 30a, Chương trình 135, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 được triển khai có hiệu quả.
Các địa phương đã thảo luận, chỉ ra những khó khăn như: Phân bổ các nguồn vốn chậm dẫn đến hỗ trợ các mô hình chưa đạt yêu cầu; việc chấm điểm tài sản các hộ nghèo còn bất cập; khó khăn trong thu hồi 10% tổng số vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; chưa có kinh phí hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động theo Thông tư 09 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; tâm lý các hộ nghèo không muốn thoát nghèo để hưởng hỗ trợ. Các đại biểu đề nghị cần có cơ chế khen thưởng, động viên các hộ thoát nghèo; rà soát các nguồn vốn hỗ trợ, giảm bớt cơ chế cho không đối với các hộ nghèo; xem xét các nguồn vốn cho vay ưu đãi có sử dụng đúng mục đích hay không; cần cân đối kinh phí để hỗ trợ các hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, phân nhóm đối tượng để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả; Xem xét năng lực các xã khi giao làm chủ đầu tư các chương trình, dự án…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng nhấn mạnh: Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hết sức quan trọng, các giải pháp giảm nghèo đưa ra để thực hiện cần phải phù hợp và giải quyết được những nguyên nhân, hạn chế còn tồn tại hiện nay. Đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo chính quyền, cấp ủy các xã tăng cường thực hiện nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; xem xét lại hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện, xây dựng kế hoạch cụ thể, giao trách nhiệm cho các thành viên xuống các xã, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp thực tế tại địa phương. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp, gắn Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” với quy hoạch chung của mỗi huyện để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa; phát huy hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con; theo dõi, đôn đốc sát sao việc triển khai các mô hình sản xuất, nắm được tiến độ từng chương trình, dự án theo từng tháng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tuyên truyền, thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động, đào tạo dạy nghề có hiệu quả.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, có chiều sâu, làm thay đổi nhận thức và giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Các ngành, các địa phương tăng cường công tác phối hợp, nhất là giữa các tổ chức đoàn thể, giữa các phòng chuyên môn để đôn đốc thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo./.
Theo Báo Bắc Kạn
TAG: