Bắc Giang: Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động
(LĐXH) – Tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận với cơ hội việc làm, tham gia vào thị trường lao động, thoát nghèo, nâng cao quyền năng kinh tế thông các chương trình, đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp...
Tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, chương trình tác động đến đời sống của phụ nữ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, trong đó có lao động nữ như: Đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động... Năm 2023, các cơ quan, ban, ngành đã tổ chức 83 phiên giao dịch việc làm, có 82 doanh nghiệp thị trường trong nước và 06 doanh nghiệp thị trường xuất khẩu lao động và 24.300 lao động tham gia; Tuyên truyền, hướng dẫn người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cổng dịch vụ công quốc gia; Tổ chức 02 hội nghị đối thoại, tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với cử tri là cán bộ, hội viên phụ nữ với chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”; Triển khai thực hiện các dự án, đề án, các chính sách hỗ trợ phụ nữ đặc thù trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện, các xã đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức “Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” với 23 gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu hơn 135 sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm đặc trưng của 17 đơn vị trong và ngoài tỉnh; tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về “Phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới”; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ ngày công, giúp đỡ 4.492 phụ nữ khuyết tật có việc làm, ổn định cuộc sống với tổng trị giá 6,5 tỷ đồng; Tuyên truyền pháp luật, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ 198 phụ nữ mãn hạn tù, bị buôn bán trở về, nguy cơ vi phạm đạo đức tái hòa nhập cộng đồng với tổng số tiền hỗ trợ là 2,2 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động.
Các cấp Hội phụ nữ tổ chức 08 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi sự hợp tác xã, kinh doanh online cho 610 phụ nữ; giúp 389 phụ nữ khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh thành công thông qua hình thức cho vay vốn và hỗ trợ phương tiện sinh kế với tổng trị giá gần 18,9 tỷ đồng; rà soát, đăng ký, tổ chức các hoạt động giúp 442 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững; 164/164 HTX/Tổ hợp tác/Tổ liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp do Hội hỗ trợ thành lập ký cam kết với chính quyền địa phương về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn...
Năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 33.200 lao động, đạt 102,2% kế hoạch năm (trong đó có 2.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Cơ cấu lao động tiếp tục dịch chuyển tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản, tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, cụ thể: tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 44,2% (tăng 2,3%), tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 30,6% (tăng 1,6%), tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 25,2% (giảm 3,9%). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,65%. Tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 23%./.
Minh Cảnh
TAG: