Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Bắc Giang: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập Cộng đồng ASEAN
02:19 PM 30/11/2021
(LĐXH) – Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước, tiến tới hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Hiện nay, tỉnh có 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có: 03 trường cao đẳng, 07 trường trung cấp, 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 16 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tổng quy mô tuyển sinh là 35.875 người/năm, bao gồm: Trình độ cao đẳng là 1.330 người, trình độ trung cấp là 5.005 người và trình độ sơ cấp là 29.540 người. Tổng số ngành, nghề đào tạo là 109 nghề; với 24 nghề trình độ cao đẳng có 24 nghề, 59 nghề trình độ trung cấp và 58 nghề trình độ sơ cấp.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo tối thiểu đáp ứng đủ cho quy mô đào tạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư tương đối đồng bộ với những thiết bị đào tạo hiện đại phục vụ đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia như: Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang; Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp… Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm theo hướng đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm và hiện đại, cơ bản đã đáp ứng phù hợp với công nghệ sản xuất tại doanh nghiệp.
Tổng số đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 122 người. Trong đó: Trình độ trên đại học chiếm 46%, đại học và cao đẳng chiếm 44,3%, trung cấp chiếm 0,7%, 100% đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý theo quy định. Tổng số nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.061 người; Trong đó: Trình độ trên đại học chiếm 20,3%, đại học và cao đẳng chiếm 64,8%, trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 14,9%; có 1.005 nhà giáo cơ hữu, chiếm 94,7%; 100% nhà giáo tại các trường cao đẳng, trung cấp đạt chuẩn theo quy định. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều có đủ số lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo tỷ lệ người học quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 người học/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ người học quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 người học/giáo viên.
Bắc Giang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% năm 2020 lên 80% năm 2025
Bên cạnh đó, chương trình, giáo trình của 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều được xây dựng theo quy định với sự tham gia trực tiếp của các cán bộ khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động trong công tác xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với tiến bộ mới của khoa học - công nghệ; sự thay đổi của công nghệ sản xuất tại các doanh nghiệp; thực tiễn sản xuất kinh doanh và dịch vụ của thị trường lao động.
Tổng số người được tuyển sinh và đào tạo nghề trong giai đoạn 2016 - 2020 là 158.106 người, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 17.264 người so với giai đoạn 2011 - 2015; Trong đó: Cao đẳng là 5.998 người, đạt 150% so với kế hoạch; Trung cấp 16.811 người, đạt 124,5% so với kế hoạch; Sơ cấp và Đào tạo thường xuyên 135.297 người đạt 108,2% so với kế hoạch. Cơ cấu ngành nghề đào tạo được ưu tiên cho nhóm nghề công nghiệp - xây dựng - dịch vụ - xã hội với 86,72% trong tổng số lao động được đào tạo; số lao động được đào tạo ở nhóm nghề nông - lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 13,28%.
Đến hết năm 2020, số lao động đã qua đào tạo của tỉnh là 799.235 người, chiếm 70% lực lượng lao động tham gia trong nền kinh tế; số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 234.000 người, chiếm 19,5%. Giai đoạn 2016-2020, chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp từ khâu xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cử kỹ sư, công nhân lành nghề tham gia hướng dẫn thực hành cho người học, nhận học sinh, sinh viên vào thực tập thực tế tại doanh nghiệp và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Tổ chức giới thiệu việc làm cho người lao động sau đào tạo, tỷ lệ người học sau khi tốt nghiệp có việc làm cao. Có trên 90% người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp và trên 80% người học tốt nghiệp trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên có việc làm.
Dự kiến đến năm 2025, lực lượng lao động tham gia trong nền kinh tế của tỉnh là gần 1,3 triệu người. Dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025, số lao động của tỉnh có nhu cầu học nghề là 38.000 người/năm; trong đó, số lao động của tỉnh có nhu cầu học nghề tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh là 29.500 người/năm với khoảng trên 17.600 lao động có nhu cầu học nghề mới và khoảng 11.900 lao động có nhu cầu tham gia đào tạo nâng cao tay nghề và đào tạo lại để chuyển đổi việc làm.
Để phát triển nguồn nhân lực trên nhu cầu của thị trường lao động, trọng tâm là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động tham gia sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 20-KH/TU ngày 09 tháng 6 năm 2021 về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Để thực hiện Kế hoạch trên, ngày 31/7/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 787/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới”. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt trên 31.000 lao động/năm; Tỷ lệ người học trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo sau tốt nghiệp đạt 90% trở lên; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 70% năm 2020 lên 80% năm 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%...
Bên cạnh đó, 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn hướng nghiệp. Có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%) tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng.
Phấn đấu Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn Bắc Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp trở thành trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Các trường có nghề được đầu tư trọng điểm đảm bảo đầu ra đào tạo theo chuẩn quốc gia và khu vực.
Trên cơ sở mục tiêu của Đề án, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để hoàn thành mục tiêu đề ra. Góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn lao động qua đào tạo có kỹ năng nghề, đổi mới mô hình phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp lớn ở khu vực phía Bắc, hướng tới của cả nước, khu vực ASEAN và quốc tế./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ