Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
An Giang giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em
10:00 AM 10/10/2021
(LĐXH)- Nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông, đồng thời tạo môi trường an toàn cho trẻ, ngày 5/10/2021, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Có thể thấy, tai nạn thương tích ở trẻ em là một sự cố xảy ra bất ngờ, đột ngột đối với trẻ em không được biết trước. Tai nạn thương tích có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật suốt đời, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.
Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội An Giang, trong những năm gần đây, tai nạn thương tích xảy ra tuy có giảm theo thời gian, nhưng vẫn còn cao. Chỉ tính riêng năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1.000 trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích. Có 3 loại tai nạn thương tích chính gây chết người và tàn tật ở trẻ em nhiều nhất là tai nạn đuối nước, giao thông và té ngã.
Dạy bơi cho trẻ em tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), giúp các em phòng tránh tai nạn đuối nước
Qua đánh giá, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em bị tai nạn thương tích ở An Giang là do công tác tuyên truyền vận động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế; việc trang bị kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trong các tầng lớp nhân dân chưa được chú trọng; ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về an toàn giao thông của một bộ phận dân cư chưa nghiêm.
Mặt khác, do tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mêkông, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, hàng năm đều bị ngập lụt, môi trường sông nước không an toàn với trẻ em. Bên cạnh đó, nhận thức của trẻ em còn non nớt, chưa lường hết được các mối nguy hiểm đe dọa, vấn đề an toàn cho trẻ em ở cả 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội; đặc biệt là môi trường gia đình chưa thật sự bảo đảm để giảm thiểu các nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ em…
Trước thực trạng trên, để tiếp tục kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông; tạo môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.
Về các mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích đến năm 2025 xuống còn 100/100.000 trẻ em và 70/100.000 trẻ em vào năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích đến năm 2025 xuống còn 5/100.000 trẻ em và 4/100.000 trẻ em vào năm 2030.
Hằng năm, giảm từ 5 - 10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn thương tích giao thông đường bộ. Giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước đến năm 2025 và 20% vào năm 2030. 80% ngôi nhà thuộc các hộ gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn đến năm 2025 và 95% vào năm 2030; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến năm 2025, đạt 90% vào năm 2030. Có 80% trường học đạt tiêu chuẩn Trường học an toàn đến năm 2025, đạt 90% vào năm 2030.
Đối với mục tiêu về truyền thông, An Giang đề ra có 70% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em đến năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030. 90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ đến năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Tỉnh phấn đấu có 65% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước đến năm 2025 và 75% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn đến năm 2025 và 70% vào năm 2030. 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh đến năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Mục tiêu đào tạo tập huấn về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, An Giang sẽ có 100% công chức, viên chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của ngành, đoàn thể liên quan được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. 70% cán bộ cấp xã, công chức, viên chức, giáo viên, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em của ngành, đoàn thể liên quan, cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em được tập huấn các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đến năm 2025 và 90% vào năm 2030...
Cùng với việc đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh An Giang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em bằng nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, pano, áp phích…; triển khai tư vấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở; tăng cường công tác tập huấn tuyên truyền đến các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là kiến thức phòng, chống tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước ở trẻ em. Xây dựng nhân rộng các mô hình phòng, chống tại nạn, thương tích trẻ em, triển khai điểm giữ trẻ mùa lũ, triển khai các hồ bơi di động phủ khắp tại 156 xã, phường, thị trấn, nhằm giúp cho trẻ em có nơi để học bơi…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa