An Giang: Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ
(LĐXH) – Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh An Giang luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới (BĐG), vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN). Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Nhằm thúc đẩy công tác BĐG, VSTBPN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác BĐG, VSTBPN trên địa bàn tỉnh; triển khai Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện công tác BĐG và VSTBPN hàng năm; triển khai Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2025... Trong xây dựng kế hoạch hằng năm, Ban VSTBPN tỉnh phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan tham mưu UBND tỉnh về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện bình đẳng của phụ nữ về lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe. Cũng như triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, nhằm đảm bảo các mục tiêu về BĐG, tăng tỷ lệ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị, quản lý Nhà nước.
do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức
Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BĐG, VSTBPN cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, nhằm nâng cao nhận thức, quan điểm về BĐG và công tác cán bộ nữ, như: Tổ chức hội thi, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ; Tuyên truyền lưu động; Xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp... tập trung vào các ngày kỷ niệm 8/3, 20/10, Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam... Trong 6 tháng đầu năm 2023, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức 780 buổi tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, người làm công tác BĐG và người dân với sự tham dự của hơn 25 ngàn lượt người. Ban VSTBPN tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục “Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang 05 chuyên mục/năm (ngày chủ nhật tuần thứ 2 của tháng).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban VSTBPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ nữ thông qua các hoạt động, như: Rà soát, đánh giá tình hình cán bộ nữ; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nữ lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về BĐG trong lĩnh vực chính trị nhằm nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân về BĐG và vai trò của phụ nữ trong tham gia lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm cử nữ công chức, viên chức tiềm năng tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý, lãnh đạo nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Nhờ việc quan tâm đến công tác cán bộ nữ và có những việc làm, chính sách thiết thực trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt các bộ nữ vào các vị trí chủ chốt mà An Giang đã nâng cao được tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý. Giai đoạn 2021 – 2015, tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị tăng từ 3 - 5% so với giai đoạn 2016 - 2020. Toàn tỉnh hiện có 6.005 đại biểu HĐND các cấp, trong đó có 1.499 đại biểu nữ; lãnh đạo chủ chốt các cấp chính quyền địa phương là 1.247, trong đó 286 nữ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên nhận thức về công tác cán bộ nữ chưa sâu sắc; Việc bố trí cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý chưa có bước đột phá, nhìn nhận đánh giá phụ nữ còn cầu toàn, khắt khe, chưa tạo điều kiện cần thiết cho cán bộ nữ vươn lên. Những quan niệm về giới và sự chênh lệch trong nhận thức về tiêu chuẩn dành cho nữ giới và dành cho vai trò lãnh đạo ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận hiệu quả công việc của phụ nữ…
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (trong đó, đại biểu Quốc hội có 2/9 người là nữ, chiếm 22,2%; HĐND cấp tỉnh có nữ chiếm 18,03%; HĐND cấp huyện có nữ chiếm 25,2%; HĐND cấp xã có nữ chiếm 28,1%…); tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030…
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, tạo nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành; Đổi mới, kiên quyết và kiên trì trong việc tạo nguồn, phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ. Bên cạnh đó, tuyên truyền về vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; các mục tiêu, giải pháp về tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách; sự đóng góp tích cực của phụ nữ trong công tác quản lý và hoạch định chính sách; gương phụ nữ tiêu biểu của quốc tế, Việt Nam và của địa phương trong lĩnh vực chính trị; những mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, nữ chủ doanh nghiệp tiêu biểu; mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; gương phụ nữ vượt khó trong phát triển kinh tế…/.
Hưng Cảnh