10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Kết quả và định hướng
(LĐXH)- Có hiệu lực từ ngày 01/01/20009, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm. Sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách BHTN đã đạt được những kết quả quan trọng.
Số người tham gia và đóng BHTN vượt so với dự kiến
Thông tin từ Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHTN đã được đặc biệt quan tâm ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; đa dạng về hình thức và nội dung; tạo nhiều kênh thông tin để người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận các nội dung về chính sách BHTN. Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã nâng cao hiểu biết, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thực hiện BHTN; được xã hội đánh giá đúng vai trò, vị trí và ý nghĩa của việc tham gia BHTN.
Đến nay, các chính sách về BHTN đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được những vấn đề đặt ra và theo thông lệ quốc tế. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.Người lao động tới giải quyết chính sách BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên
Ông Lê Quang Trung-Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm đánh giá: Kết quả thực hiện chính sách BHTN cho thấy số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm, đến nay là gần 13 triệu người tham gia, vượt so với dự kiến. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Sau 10 thực hiện, số người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2016 có 11.061.562 người tham gia, tăng 7,3 so với năm 2015; năm 2017 có 11.774.742 người tham gia, tăng 8,1% so với năm 2016 và năm 2018 có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị. Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân số tiền đóng BHTN hằng thàng của người lao động là trên 4,93 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017. Tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là trên 15.500 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng).
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được đặc biệt quan tâm. Các trung tâm dịch vụ việc làm đã tập trung triển khai thực hiện, đa dạng hóa các hình thức và cải tiến quy trình thực hiện; số lượng và hiệu quả người được tư vấn, giới thiệu việc làm tăng theo từng năm và chiếm tỷ lệ khá cao so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (trên 96,8% so với số người hưởng trợ cấp thất nghiệp). Nếu năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2015 là 463.859 lượt người (tăng 3,6 lần so với năm 2010); đến năm 2018, con số này là trên 1,39 triệu lượt người, tăng hơn 10 lần so với số người được tư vấn, giới thiệu việc làm năm 2010.
Theo báo cáo của 63 Trung tâm dịch vụ việc làm, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng được học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ học nghề đã có bước chuyển tích cực, số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng. Năm 2010 chỉ có 270 người được hỗ trợ học nghề, đến năm 2015 là 24.363 người và đến hết năm 2018 là 37.977 người. Đến nay đã có trên 180.000 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Nhiều người thất nghiệp sau khi tham gia các khóa học nghề đã có việc làm, ổn định cuộc sống. Một số địa phương có số người được hỗ trợ học nghề cao như TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương…
Cùng với đó, việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chế độ thất nghiệp cũng được quan tâm. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đến nay là khoảng 5 triệu người và có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể năm 2010 là 156.756 người; năm 2015 là 526.309 người. Từ khi Luật Việc làm có hiệu lực với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng BHTN, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 – 2018 là khá ổn định, tỷ lệ bình quân là 12,5% (năm 2016 tăng 11,4% so với năm 2015; năm 2017 tăng 14,5% so với năm 2016 và năm 2018 có 763.573 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2017; tăng 4 lần so với năm 2010). Ngoài ra, người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cung cấp thông tin về thị trường lao động để tìm việc làm và sớm trở lại thị trường lao động, thẻ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh. Do số người được hưởng các chế độ BHTN tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ BHTN tăng. Theo BHXH Việt Nam, ước kết dư Quỹ BHTN tính đến cuối năm 2018 là trên 79.000 tỷ đồng, vẫn bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, theo đánh của của Cục Việc làm, bên cạnh những mặt đạt được, chính sách BHTN vẫn chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ để người lao động duy trì việc làm, tránh bị sa thải; đối tượng tham gia BHTN chưa được mở rộng đến người lao động có hợp đồng lao động từ 01 tháng đến dưới 03 tháng vì đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao; chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó, Quỹ BHTN chưa được sử dụng để chi cho Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện các chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề; kể cả việc thu thập, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, nhất là các dữ liệu việc làm trống phục vụ cho người thất nghiệp. Nhận thức về BHTN của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao, chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình; ý thức chấp hành luật pháp nói chung và về BHTN nói riêng còn hạn chế, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động…Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp và ông Lê Quan Trung - Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện chính sách BHTN tại TP Thanh Hóa, tháng 7/2019
Phấn đấu 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN
Ngày 23/5/2018, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đã đặt ra mục tiêu cải cách chính sách BHXH (trong đó bao gồm chính sách BHTN), để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, với những mục tiêu cụ thể: Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; giai đoạn đến năm 2031, con số này là 45%. Để thực hiện các mục tiêu này cũng như để thực hiện chính sách BHTN đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN tại Luật Việc làm vào năm 2021 – 2022 theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; khắc phục tình trạng gian lận, trục lợi BHTN; phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN; bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Việc làm.
Hai là, nâng cao năng lực quản lý, quản trị thị trường lao động thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thông tin việc làm, thất nghiệp, biến động trong thị trường lao động, đặc biệt là kết nối cung – cầu lao động và liên thông thị trường lao động.
Ba là, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm công. Theo đó, đảm bảo xây dựng mạng lưới này phù hợp với Công ước 88 của ILO về tổ chức dịch vụ việc làm; xây dựng và vận hành mạng lưới các trung tâm dịch vụ việc làm công với đội ngũ nhân viên thực hiện chuyên nghiệp, bài bản, chất lượng; thực hiện tốt và hiệu quả chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động một cách tối đa.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động trong thời gian thất nghiệp, dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng và có sự chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN.
Năm là, nâng cao công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách BHTN cho người lao động và doanh nghiệp để các bên hiểu đúng, hiểu đủ về mục tiêu chính sách BHTN.
Sáu là, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, năng lực của người lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động trong thời gian thất nghiệp được học nghề, đào tạo nghề gắn với công việc lâu dài./.
Nguyễn Lại Thìn
TAG: