An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Yên Minh: Thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững
10:43 AM 09/10/2021
(LĐXH) Để thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân, Đảng ủy, UBND xã Yên Minh, huyện Ý Yên, Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...



Là vùng quê thuần nông, trước đây xã Yên Minh (Ý Yên) có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong những năm thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững. Trong đó, đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Thạo, Chủ tịch UBND xã Yên Minh cho biết: Năm 2019, xã có 40 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,81%), đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 1,49%. Để đạt được kết quả đó, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. UBND xã chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; phát triển ngành nghề. Đến nay sản xuất nông nghiệp của xã phát triển ổn định, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng. Vụ xuân 2021, năng suất lúa của xã đạt 48,6 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha cùng kỳ năm 2020; sản lượng lương thực đạt 2.256 tấn, tăng 81 tấn với vụ xuân năm 2020. Ngành nghề, hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng. Nhiều gia đình đầu tư mua ô tô vận tải, máy làm đất, máy gặt phục vụ sản xuất nông nghiệp; các tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp đã hình thành ở các khu dân cư và dọc tuyến đường trục xã.
Lao động nông thôn học nghề mây, tre, đan
Để giúp các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, hàng năm xã thực hiện hiệu quả Đề án 1956 mở từ 1-2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Ban Nông nghiệp xã thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức 4 lớp học nghề chăn nuôi gia cầm; nghề nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; trồng cây lương thực, thực phẩm cho 140 học viên. Được thường xuyên bồi dưỡng kiến thức sản xuất, chăn nuôi, nhiều gia đình ứng dụng thành công trong sản xuất, vươn lên thành hộ khá, giàu. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Đình Cường, thôn Ba Thượng nuôi cá trắm cỏ; ông Trần Đức Dũng ở thôn Ba Thượng có trang trại 1ha nuôi lợn, gà, vịt, trồng cây ăn quả; ông Vũ Văn Thạch, thôn Giáp Nhất với mô hình nuôi giun quế, gà, cá; ông Trần Văn Mão, thôn Lương có trang trại nuôi gia cầm, cá..., thu nhập mỗi hộ hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trên địa bàn xã hiện có 2 doanh nghiệp may quy mô vừa và hơn 20 cơ sở sản xuất đồ gỗ vừa tham gia đào tạo nghề, vừa tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tiêu biểu là cơ sở may Huyền Anh, thôn Lương tạo việc làm cho hơn 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với đào tạo nghề, xã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã đạt gần 18 tỷ 300 triệu đồng cho 413 hộ vay. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Nguyễn Đăng Khoa ở thôn Giáp Nhì cho biết: “Từ vốn vay 90 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình tôi đã mua giống nuôi cá rô đồng và trắm đen, nuôi bò sinh sản. Đến nay, đàn cá sinh trưởng tốt; dự kiến sắp tới, ao nuôi sẽ cho thu hoạch được 5 tạ cá rô đồng, dự kiến thu về hơn 25 triệu đồng”. Ngoài cá, ông Khoa còn nuôi 600 con vịt thịt và 4 con bò sinh sản. Tính ra, mỗi năm gia trại của ông đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng vươn lên thoát nghèo. Còn với 50 triệu đồng vay theo chương trình hộ cận nghèo, xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Văn Bình ở thôn Giáp Nhì vẫn hoạt động ổn định mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. 
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề đã tạo bước chuyển biến cho công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Đến nay, 96% số người trong độ tuổi lao động của xã có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương./.
Khánh Linh
TAG:
Tin khác
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
Huyện Châu Phú: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng