Yên Dũng: Sáng ngời những tấm gương thương binh tàn nhưng không phế
(LĐXH) – Trở về cuộc sống đời thường với cơ thể không lành lặn, những người lính Cụ Hồ vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, cống hiến sức lực và trí tuệ để xây dựng quê hương. Trên địa bàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có rất nhiều những tấm gương như vậy.
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bắc Giang, quê hương Yên Dũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, có đội "lão du kích" chống càn trong các cuộc kháng chiến; có Làng kháng chiến chống giặc Pháp (Long Trì) nổi danh cả nước, vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào năm 1961. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ giành tự do và độc lập dân tộc, cùng với cả nước, Yên Dũng có trên 70 nghìn lượt người hăng hái lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trong đó có hơn 2.500 liệt sĩ, trên 2.000 thương binh, bệnh binh và trên 2.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất hóa học, 228 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 1 mẹ còn sống), 06 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có 10 tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; huyện được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với 10 xã gồm: Cảnh Thụy, Tư Mại, Nội Hoàng, Tiền Phong, Tân An, Hương Gián, Quỳnh Sơn, Xuân Phú, Đồng Việt, Trí Yên.
Tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, những năm qua, huyện Yên Dũng đã tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế xã hội, đưa huyện từng bước đi lên, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách, người có công bằng những việc làm thiết thực như: Xây dựng nhà tình nghĩa; Tặng sổ tiết kiệm; Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Chăm sóc thương binh, bệnh binh và đỡ đầu con liệt sỹ... Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của người có công trên địa bàn huyện đã được nâng lên, nhà ở được cải thiện khang trang. Hầu hết người có công và thân nhân người có công đã được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước; cơ bản có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương. 100% xã, thị trấn đạt danh hiệu làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Những năm qua, phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, các thương binh ở huyện Yên Dũng đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho các lao động địa phương và có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội. Trong đó phải kể đến thương binh hạng 1/4 Lương Công Xuân (sinh năm 1960, ở tổ dân phố 6, thị trấn Nham Biền) đã vượt qua những khó khăn, tích cực phát triển kinh tế, nuôi dạy các con trưởng thành, vừa cống hiến hết mình cho nền thể thao của tỉnh nhà (ông là một vận động viên bóng bàn giàu thành tích của thể thao người khuyết tật).
Sinh ra và lớn lên ở miền quê nhiều khó khăn xã Tân Liễu. Năm 1980, ông lên đường nhập ngũ, được điều động theo đơn vị bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1981 ông bị thương nặng trong khi thực hiện nhiệm vụ và được đưa về Viện điều dưỡng để điều trị vết thương. Sau khi sức khỏe tạm ổn định, ông xin trở về địa phương. Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã nỗ lực tìm hướng khới nghiệp, khắc phục khó khăn dần vươn lên trong cuộc sống. Để có việc làm phù hợp với sức khỏe của bản thân, ông đã đi học may và về tự mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ gia đình và nuôi sống bản thân.
Cơ sở sản xuất may măc cùa gia đình ông ngày càng phát triển, ông còn thành lập Trung tâm dạy nghề Tân Xuân, rồi phát triển lên thành doanh nghiệp tư nhân Vạn Xuân, vừa dạy nghề may, nghề thêu, vừa tạo nhiều việc làm cho người lao động ở trong và ngoài huyện. Đặc biệt ông luôn có những chính sách hỗ trợ với những học viên, lao động nghèo, khuyết tật học và làm việc tại doanh nghiệp. Năm 2007, ông thành lập Công ty cổ phần Vạn Xuân 27-7 và hoạt động đến nay.
Trong những năm qua, bản thân ông đã cùng gia đình tổ chức sản xuất kinh doanh đạt được những thành tựu nhất định, cuộc sống ngày một cải thiện và nâng cao, tạo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Hàng năm, vào các dịp Tết Nguyên đán, khai giảng ông đều có những phần quà để ủng hộ các gia đình thuộc diện hộ nghèo trong huyện, tặng quần áo, tiền cho các cháu học sinh nghèo vượt khó tại một số trường trong huyện. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, hiện ông đang làm Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi huyện và tham gia Ban chấp hành Mặt trận Tổ quốc huyện. Ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Mặt trận Tổ quốc và công tác Hội.
Là một thương binh nặng song ông không có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước và những người xung quanh. Luôn có ý chí phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, ông tích cực tập luyện thể thao trong khả năng có thể nhằm rèn luyện để dần cải thiện sức khỏe của bản thân, ông là một trong nhưng vận động viên bóng bàn khuyết tật giàu thành tích của huyện. Những đóng góp cho cộng đồng của thương binh Lương Công Xuân trong suốt thời gian qua đã được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương ghi nhận bằng rất nhiều Bằng khen, Giấy khen. Đây là nguồn động viên rất lớn để ông tiếp tục vượt khó khăn, có những đóng góp to lớn cho cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Hay như thương binh Nguyễn Văn Vững (sinh năm 1958 ở tổ dân phố Long Trì, Thị trấn Tân An) mặc dù mang trên mình nhiều thương tật chiến tranh, tỷ lệ tổn thương cơ thể tới 72% nhưng ông luôn giữ vững bản lĩnh của người lính bộ đội Cụ Hồ, vượt khó vươn lên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mọi vị trí công tác, luôn là tấm gương sáng cho con cháu và mọi người noi theo.
Năm 1976, khi ấy vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Vững xung phong lên đường nhập ngũ và được phân công làm nhiệm vụ ở tiều đoàn 4 – Lữ đoàn 215 Binh chủng xe tăng và được đi học lớp hạ sỹ quan – tăng thiết giáp 207. Sau đó, năm 1977 về Trung đội sửa chữa, Tiểu đoàn 867 lữ đoàn 126 Thủy quân lục chiến – Quân Chủng Hải quân năm 1977 làm nhiệm vụ bảo vệ Biên giới phía Tây Nam – Giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Năm 1979, chiến trường Campuchia bắt đầu ác liệt. Trong một trận chiến đấu ác liệt đầu tháng 1/1979, đồng đội của ông hơn 10 người hy sinh, còn ông cũng bị thương nặng. Sau thời gian điều trị, tiểu đoàn đã giao cho ông nhiệm vụ nhân viên cơ khí tiểu đoàn, phục vụ trực tiếp lãnh đạo tiểu đoàn. Tuy nhiên, do vết thương ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tháng 8/1981 ông phục viên, trở về quê hương sinh sống.
Về địa phương ông được chính quyền địa phương tín nhiệm giữ chức xã đội phó. Năm 1982, ông vừa làm xã đội phó vừa ôn thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự. Năm 1990 ông tiếp tục học đại học và về địa phương công tác trong ngành giáo dục huyện nhà. Năm 1993, ông từ một giáo viên tổng phụ trách đội đã được phân giữ chức Hiệu Trưởng trường THCS Hương Gián. Dù ở vị trí công tác nào, ông cũng luôn làm việc bằng hết khả năng và năng lực, luôn được tín nhiệm, được cấp trên đánh giá cao và được các thế hệ học sinh yêu quý, kính trọng.
Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm nhiều do ảnh hưởng của vết thương nhưng ông luôn cố gắng, nỗ lực, sống lạc quan, tích cực tham gia các phong trào của địa phương xứng đáng tấm gương sáng cho con cháu học tập và noi theo./.
Minh Cảnh
TAG: