Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
01:44 PM 04/12/2024
(LĐXH)- Theo Sở LĐTBXH tỉnh, 11 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 19.856/18.000 người (đạt 110,3% kế hoạch, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó cao đẳng 1.723 người, trung cấp 3.198 người, trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 14.935 người.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo, số lượng tuyển sinh đào tạo; cụ thể như: Trường Cao đẳng nghề Yên Bái tuyển sinh được 2.252 học viên hệ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; Trường Cao đẳng Yên Bái tuyển sinh 675 sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam đã tuyển sinh được 147 học viên trung cấp và sơ cấp; Trường Trung cấp DTNT Nghĩa Lộ tuyển sinh và đào tạo nghề cho 777 người trình độ trung cấp và lao động nông thôn; Trường Trung cấp Lục Yên tuyển sinh 493 trình độ trung cấp; Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái tuyển sinh được 207 hệ trung cấp…
Tính đến hết tháng 11/2024, các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức mở được 84 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 2.628/4.000 người, đạt 65,7% kế hoạch (trong đó nghề nông nghiệp là 1.920 người, nghề phi nông nghiệp là 708 người).
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút học sinh theo học
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 30%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp đạt 45%, trong đó 20% các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 70%; tỷ lệ lao động là người khuyết tật còn khả năng lao động được học nghề phù hợp đạt 20%; tỷ lệ người học là nữ đạt trên 30%; xây dựng được 01 trường cao đẳng chất lượng cao (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái).
Cùng với đó, tỷ lệ người học tốt nghiệp, có việc làm phù hợp với ngành, nghề đào tạo đạt khoảng 80%, đối với các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt khoảng 90%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua đào tạo đạt 45%; tỷ lệ lao động qua đào tạo theo lĩnh vực: nông, lâm, thủy sản đạt 59%; công nghiệp - xây dựng đạt 96%; thương mại - dịch vụ đạt 98%; có ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Yên Bái cũng đặt chỉ tiêu phấn đấu khoảng 80% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia; 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80% cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan tâm đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó, đổi mới căn bản hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học, lấy người học làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ với thị trường lao động, đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động và của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng lao động.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường chỉ đạo trong công tác đào tạo nghề; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; triển khai các giải pháp tăng quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. 
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ dạy nghề từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ học nghề của trung ương, của tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, xuất khẩu lao động../.
Nguyễn Lại Thìn
TAG:
Tin khác
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động
Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
TP.HCM:  Sơ kết 1 năm chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn thành phố
Trường Đại học Đông Đô kỷ niệm 30 năm thành lập
Sóc Trăng đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Sóc Trăng: Nhìn lại 04 năm thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp
Khoa Cơ – Điện: Điểm sáng của Trường Trung cấp Lục Yên
Nghề Công nghệ Ô tô tại Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã hoàn tất kiểm định chất lượng