Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại TP.HCM
10:44 AM 29/03/2025
(LĐXH) - Chiều 28/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi giám sát 

Tham gia cùng đoàn giám sát có ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội; ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM. Về phía TP.HCM có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy cùng đại diện các sở, ngành, cơ quan, đơn vị.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu kinh tế - xã hội của TP.HCM đã đạt được trong thời gian qua. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết này xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, TP.HCM vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Do đó, đoàn giám sát mong muốn có cái nhìn toàn diện về thực trạng này, từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM và cả nước.

Toàn cảnh buổi làm việc

“TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao hàng đầu cả nước. Để đạt được điều này, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ và giữ chân nhân tài; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực. Việc tăng cường hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục là yếu tố quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái đào tạo - sử dụng nhân lực bền vững. Trong đó, TP.HCM cần tận dụng thế mạnh trong khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường làm việc hấp dẫn, thu hút nhân tài trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM báo cáo với đoàn giám sát

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Thanh  đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá việc ban hành các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND, HĐND TP.HCM liên quan đến phát triển nguồn nhân lực; thực trạng sử dụng nhân lực chất lượng cao trong cả khu vực Nhà nước và tư nhân; cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút nhân tài…

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết thời gian qua Thành phố đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh việc thực hiện chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và tuyển dụng sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Việc này được triển khai theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội và Đề án 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Các chính sách này đã góp phần thu hút, giữ chân đội ngũ nhân sự tài năng, tạo động lực để nhiều cá nhân tiếp tục cống hiến cho thành phố.

Ông Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu

Bên cạnh đó, TP.HCM luôn chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên thông qua các chương trình tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học; triển khai Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế với sự phối hợp chặt chẽ từ Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường đại học trên địa bàn… Ngoài ra, TP.HCM đã tổ chức phong trào thi đua sáng tạo và các giải thưởng sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030. Những giải thưởng này thu hút nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến đột phá, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Theo UBND TP.HCM, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý các trường đại học trên địa bàn thành phố, trong khi các bộ, ngành khác quản lý 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực do cơ chế quản lý còn chồng chéo. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ xem xét chuyển chức năng quản lý các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp về UBND Thành phố để đảm bảo tính thống nhất, giúp địa phương chủ động trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi giám sát

Về cơ chế đặt hàng đào tạo giữa địa phương và các trường đại học, UBND TP.HCM cho rằng, hiện nay, việc đặt hàng đào tạo giữa TP và các trường đại học còn gặp vướng mắc về quy trình, tài chính và đánh giá chất lượng sau đào tạo. UBND TP đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành có hướng dẫn chi tiết hơn về quy trình đặt hàng, lựa chọn đơn vị đào tạo cũng như cơ chế tài chính phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết trong định hướng phát triển của mình, Thành phố luôn xác định nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Giai đoạn 2021-2024, TP.HCM đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.



Bà Nguyễn Thị Lệ, cho biết thời gian qua Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, có Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và triển khai 06 chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trọng điểm giai đoạn 2020 – 2025: tập trung vào các lĩnh vực then chốt như đô thị thông minh và chuyển đổi số, công nghiệp, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, quản lý và phát triển đô thị bền vững đã góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập trong chuỗi giá trị toàn cầu; đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục và xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi giám sát

Đây là một trong những động lực góp phần giúp nền kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực dịch vụ đóng vai trò là động lực chính. Ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành công nghiệp đang từng bước chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghệ cao và xanh. Cùng với đó, Thành phố đã thúc đẩy các chương trình nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn; thu hút và trọng dụng nhân tài;  nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trương Đăng

TAG: Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Thanh chính sách phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại TP.HCM
Tin khác
TP.HCM: Gần 150 doanh nghiệp lớn tới một trường đại học tuyển dụng nhân lực
Thúc đẩy giáo dục xanh trong các trường đại học – Chiến lược hướng tới phát triển bền vững
“Hạt giống Tài năng khoá 5” - cơ hội giúp sinh viên cập nhật kiến thức, hoàn thiện kỹ năng nghề
Trường Cao đẳng Quảng Nam ký kết chương trình đào tạo du học và làm việc ở Cộng Hoà Liên Bang Đức
Cơ hội việc làm và thu nhập cao cho sinh viên học nghề bảo dưỡng xe ô tô điện và Hybrid
Trường đại học số hóa chương trình “săn” học bổng, học sinh vào chặng đua nước rút
TP.HCM: Hơn 390 giáo viên mần non dự Hội thi “Người ươm mầm”
Ra mắt chương trình đào tạo mới: “Trợ lý an ninh phi truyền thống”
Trung tâm dạy thêm 'mọc như nấm' kèm nỗi lo tăng học phí, giảm chất lượng