Yên Bái tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở huyện 30a
(LĐXH)- Thực hiện phong trào thi đua "Yên Bái chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3,3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 (trong đó huyện Trạm Tấu giảm 6,5%/năm, huyện Mù Cang Chải giảm 7,67%/năm). Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm bằng 1,5 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 30/59 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Là huyện vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua huyện Mù Cang Chải đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao vai trò của cấp ủy trong công tác lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo ở cơ sở. Trong đó, huyện đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của huyện trong sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hướng tới mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông nghiệp thông minh”. Quan tâm đầu tư đưa những cây trồng mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vào trồng, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 23 chỉ tiêu trên tất cả các lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục - y tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/HU, trong đó xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực, lộ trình, thời gian thực hiện đảm bảo đồng bộ, thống nhất và tính khả thi cao. Cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng phát triển và các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu với 03 đột phá, 04 chương trình trọng điểm và 08 nhiệm vụ trọng tâm sát với tình hình thực tế của địa phương; ban hành 15 nghị quyết chuyên đề, cùng các quy định, quy chế làm việc; 70 kế hoạch, chỉ thị, kết luận, cụ thể hóa Chương trình hành động số 01-CTr/HU của Huyện ủy trên địa bàn huyện.
Kết quả đến nay đã được thể hiện rõ nét. Đó là huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân; thực hiện các giải pháp về khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác và định hướng giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông dân; tập trung phát triển kinh tế theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc; phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới và xây dựng bản hạnh phúc. Tổng giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đến cuối năm 2022 ước đạt 568 tỷ đồng, bằng 91,6% mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng, liên vùng; hạ tầng đô thị, hạ tầng y tế, giáo dục, hạ tầng xây dựng nông thôn mới; tổng vốn đầu tư phát triển từ năm 2020 - 2022 là 3.169 tỷ đồng, bằng 52,8% mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Huyện phối hợp với các ngành của tỉnh tham mưu xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch giai đoạn 2021 – 2025.
Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 còn 32,08% tương ứng với 3.053 hộ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025 là 56,79% tương ứng với 7.285 hộ. Năm 2022, giảm tiếp 7,72% tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới), toàn huyện giảm được 1.247 hộ nghèo.
Xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đưa Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến "Bản sắc, An toàn, Thân thiện”, huyện đã xây dựng và trình tỉnh phê duyệt Đề án Xây dựng huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2022, Mù Cang Chải đã đón trên 350.000 lượt khách trong và ngoài nước, mang lại doanh thu ước đạt 270 tỷ đồng.
Quy hoạch vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Mù Cang Chải đã xác định quan điểm phát triển du lịch với 4 trọng tâm: Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, "xanh, bản sắc, an toàn, thân thiện”, chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế để thu hút khách du lịch; Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các yếu tố tự nhiên, văn hóa và con người Mù Cang Chải để phục vụ phát triển du lịch.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đặt phát triển du lịch nằm trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn, là giải pháp căn bản để giảm nghèo bền vững; phát triển du lịch bền vững, khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên; duy trì bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn; thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch.
Giảm nghèo gắn liền với xây dựng nông thôn mới
Mù Cang Chải là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của cả nước, trình độ dân trí không đồng đều, với trên 90% dân cư đang sống ở nông thôn, do vậy xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, phải được thực hiện đồng bộ đối với tất cả các tiêu chí, với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Kết quả cho thấy, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bộ mặt mới cho vùng nông thôn huyện vùng cao Mù Cang Chải với một số kết quả nổi bật như: Cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư, hoàn thiện, trong 10 năm đã mở mới 390,3km giao thông nông thôn, sửa chữa nâng cấp 217,3km, thực hiện kiên cố 119 công trình thủy lợi; xây mới 356 phòng học, 17 phòng học bộ môn, 135 phòng công vụ, 435 phòng ở bán trú, 40 phòng hiệu bộ hành chính quản trị, 67 công trình phụ trợ khác; đầu tư để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp được 50 công trình nhà văn hóa thôn bản, đến nay có 93/93 bản có nhà văn hóa thôn bản, 9 xã có nhà văn hóa xã. 100% các xã được phủ sóng thông tin di động và dịch vụ Internet mạng không dây; các xã đều có điểm phục vụ bưu chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành; có hệ thống loa truyền thanh đến các bản.
Bằng nhiều nguồn vốn như chương trình 167, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 133/QĐ-TTg, nhà đại đoàn kết... và sự nỗ lực vươn lên của người dân đã làm mới được 845 nhà dột nát, nhà tạm; các nhà này đảm bảo 3 cứng (nền, khung, cột) có giá trị sử dụng trên 20 năm. Năm 2022, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện tiếp tục xây dựng phương án huy động sự đóng góp của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân chung tay xóa thêm 168 nhà tạm, nhà dột nát ở 13 xã để vừa nâng số xã đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới lên 6/13 xã.
Thời gian tới, Mù Cang Chải sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực trên địa bàn theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển vùng dược liệu và Đề án phát triển cây ăn quả huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2021 - 2025. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình Mục tiêu quốc gia để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường; duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc của quê hương; củng cố, kiện toàn mạng lưới y tế ở cơ sở gắn với nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng và các chỉ tiêu, nhiệm vụ về dân số, gia đình và trẻ em; tổ chức tốt phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn xã./.
Hồng Minh
TAG: