Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Yên Bái phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số
11:26 AM 29/09/2021
(LĐXH)- Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp nhằm thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số.
Một lớp dạy nghề cho lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số ở huyện Mù Cang Chải
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của trung ương về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp; đào tạo nghề cho lao động động nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã triển khai thực hiện các Đề án: “Đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020”; Đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012-2020”; "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”....
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, việc thực hiện chính sách phát phát triển nguồn nhân lực trong thực tế còn một số hạn chế như: chưa thu hút được cán bộ khoa học, quản lý có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, một số lĩnh vực còn thiếu chuyên gia đầu ngành; chất lượng lao động vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chậm; năm 2020, vẫn còn 59,9% lao động toàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số.
Theo đó, tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Quan tâm tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù để thực hiện tốt công tác giáo dục kỹ năng sống, thu hút và tạo động cơ học tập đúng đắn cho học sinh dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh người dân tộc thiểu số.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực tại các huyện Tạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Rà soát, khảo sát đánh giá chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số đã qua đào tạo tại các địa phương. Xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trong đó có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số.
Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, trong đó có học nghề nội trú tại các trường dạy nghề của tỉnh; tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với trình độ, nhu cầu của người học, yêu cầu tạo việc làm sau đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Ưu tiên tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên vào các cơ quan trong hệ thống chính trị; quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Thực hiện hiệu quả Đề án 11-ĐA/TU về phát triển cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Quan tâm quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, đảm bảo dự nguồn về cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Yên Bái cũng triển khai thực hiện các chính sách về phát triển nguồn nhân lực gồm các chính sách của trung ương về đào tạo phát triển nguồn nhân lực: chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động vùng dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách miễn, giảm học phí, chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp và chính sách của tỉnh về phát triển nguồn nhân lực: Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025./.
Lê Hà
TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ