Yên Bái: Đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
(LĐXH)- Tỉnh Yên Bái nơi định cư nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số không chịu khuất phục trước nghèo đói, đã vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi và khai thác đất rừng.
Đó là lão nông người Mông Sùng A Khua ở bản Đề Sủa, xã Lao Chải, Mù Cang Chải nuôi vịt siêu trứng và tăng gia sản xuất và ông Triệu Thiều Thăng - triệu phú người Dao vươn lên từ khai thác đất rừng ở thôn Khe Ván, xã Quang Minh, huyện Văn Yên... và nhiều tấm gương khác.
Có lẽ phải dùng cụm từ "quá điển hình" đối với lão nông người Mông Sùng A Khua ở bản Đề Sủa, xã Lao Chải, tấm gương trong đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chẳng những ở xã mà còn trong cả huyện vùng cao Mù Cang Chải.Bà con huyện Mù Cang Chải phát triển kinh tế chăn nuôi đàn vịt
Hơn 20 năm trước, hạ sơn từ bản Xéo Dì Hồ A (Lao Chải) xuống bản mới Đề Sủa, hộ ông Khua như nhiều hộ khác ở đây đều nghèo khó. Hạ sơn để mong có cuộc sống mới nên ông Khua chăm chỉ làm ruộng rồi vay vốn nuôi con dê, con trâu, con lợn. Vất vả hơn chục năm, gia đình ông cũng thoát nghèo nhưng ông Khua không chịu bằng lòng như vậy.
Lão nông ấy tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi, đặc biệt là thử sức với vật nuôi mới: vịt siêu trứng, trở thành người nuôi vịt siêu trứng đầu tiên ở Mù Cang Chải. Từ 200 con vịt siêu trứng lứa ban đầu vào thời điểm năm 2015, đến nay, gia đình ông nuôi tầm 500-600 con mỗi lứa. Từ nuôi vịt siêu trứng và tăng gia sản xuất, gia đình ông có thu nhập khoảng trên 150 triệu đồng/năm, trở thành hộ khá giả ở bản.
Ở xã Quang Minh, huyện Văn Yên, ông Triệu Thiều Thăng - người Dao thôn Khe Ván lại là triệu phú vươn lên từ khai thác đất rừng. Khi Nhà nước có chính sách giao đất, giao rừng thời điểm năm 1993, ông là người đầu tiên trong thôn nhận 7 ha đất rừng để trồng quế. Năm 2000, ông lại đi đầu trong thôn đăng ký trồng 0,5 ha sắn theo quy hoạch vùng nguyên liệu cho Nhà máy Sắn Văn Yên của huyện. Giờ ông có 15 ha quế trồng xen sắn, thu nhập bình quân mỗi năm 400-500 triệu đồng.
Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực tăng gia sản xuất để thoát nghèo, làm giàu bằng nhiều hướng đi, cách làm, trước là để cho chính bản thân, gia đình, sau là góp sức xây dựng bản làng, quê hương.
Lớp cao tuổi có những điển hình như ông Khua hay ông Thăng... Lớp người trẻ tuổi cũng không ít những tấm gương năng động làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Đôi vợ chồng Vàng A Sò, Sùng Thị Súa ở thôn đặc biệt khó khăn Khe Ron, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên tuổi chỉ mới ngoài 30 mà đã khá giả ít ai bằng. Ngoài 6 ha quế và bồ đề, 5 sào ruộng, hai vợ chồng còn mạnh dạn đầu tư mua xe tải để chở hàng thuê và chở gỗ rừng trồng thu mua từ các hộ dân trong và ngoài thôn tiêu thụ tại các xưởng chế biến gỗ. Súa và Sò có thu nhập bình quân hàng tháng cỡ chừng 30 triệu đồng - một con số đáng mơ ước với nhiều bà con thôn, bản.
Cũng sức trẻ năng động, mạnh dạn, Giàng A Sông ở bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải đầu tư làm mô hình trang trại vừa chăn nuôi vừa trồng trọt. Anh nuôi dê, nuôi lợn, gà thả vườn, trồng sơn tra và thảo quả. Sau 4 năm mở trang trại, anh có thu nhập mỗi năm chừng 120-130 triệu đồng.
Anh Đinh Văn Tươi - người Mường ở thôn Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ ngoài cấy lúa còn trồng cỏ voi trên đất ruộng để chăn nuôi bò sinh sản bán công nghiệp mang lại thu nhập khá...
Tăng gia sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước đang được đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái nỗ lực thực hiện./.
PV
TAG: