Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Ý chí kiên cường của một người thương minh nặng ở Quảng Bình
03:20 PM 22/11/2023
(LĐXH)- Cuộc chiến tranh đau thương đã đi qua, mang trên mình thương tật với đôi mắt mù vĩnh viễn nhưng người thương binh, Anh hùng LLVT Lê Hữu Trạc luôn lạc quan, yêu đời và sống hết mình vì lý tưởng cách mạng với ý chí, nghị lực của “anh bộ đội Cụ Hồ”. Cuộc đời ông giống như một bản tình ca đẹp về ý chí và nghị lực phi thường, không còn đôi mắt sáng nhưng ý chí, nghị lực của ông luôn tỏa sáng cho các thế hệ noi theo.
Thương binh nặng Lê Hữu Trạch (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh – tỉnh Quảng Bình) là một trong 500 gương thương binh nặng được Thủ tướng Chính phủ biểu dương và tặng Bằng khen năm 2019.
Câu chuyện về những chiến công hiển hách của thương binh nặng Lê Hữu Trạc khi tham gia bảo giới tuyến 17 và giữ đảo Cồn Cỏ đã khiến mọi người cảm phục. Ông cùng với đơn vị tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài của quân địch và bản thân ông cũng vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Về địa phương tham gia công tác, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình, có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.
Thương binh Lê Hữu Trạc đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2018 (ảnh Tư liệu)
Năm 1961, khi mới tròn 20 tuổi, người thanh niên Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh bom lửa, năm 1965, ông được cấp trên điều động ra đảo Cồn Cỏ. Lúc này bắt đầu giai đoạn Nam Bắc phân chia với cột mốc Vĩ tuyến 17 chính là dòng sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị).
Cồn Cỏ lại nằm ở chính vĩ tuyến này khiến cho nó trở thành tâm điểm ném bom đạn của kẻ thù và cuộc chiến đấu bảo vệ của quân đội ta. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, chỉ trong vòng 3 năm, từ 1965 đến 1968, các đơn vị bộ đội đóng trên đảo Cồn Cỏ đã bắn hạ được 48 máy báy (trong đó 29 chiếc rơi tại chỗ), bắn cháy 17 tàu chiến và 2 thuyền của địch.
Hơn 3 năm trên đảo Cồn Cỏ ác liệt, đầu năm 1968, người lính Lê Hữu Trạc được cấp trên điều động về vùng lửa đạn Vĩnh Linh, ngay bên bờ Bắc sông Bến Hải. So với Cồn Cỏ, vùng này cũng là tâm điểm đánh phá của kẻ thù vì nằm tiếp giáp với vùng tranh chấp. Lúc này, đơn vị của ông Lê Hữu Trạc chủ yếu là theo dõi tình hình quân địch ở phía bờ Nam. Đây cũng là giai đoạn quân ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968.
Vì thế, thay vì chỉ phòng ngự, đánh trả các đợt tấn công của quân địch, quân ta ở Vĩnh Linh bắt đầu vượt sông Bến Hải đánh vào nhiều cứ điểm đóng quân của địch để gây phân tâm, giúp cho quân chủ lực vòng qua lãnh thổ Lào tiến sâu về phía Nam.
Và trong một lần cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở Vĩnh Linh, đơn vị của ông đã bị trúng bom từ trường. Đây là một loại bom rất nguy hiểm, nằm bất động nhưng khi gặp ngoại lực là vật bằng kim loại ở một khoảng cách đủ gần, chúng sẽ phát nổ, tạo ra các sóng từ trường cực mạnh, đủ để giết chết người. Mặc dù may mắn hơn các đồng đội khác nhưng Lê Hữu Trạc đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Sau đó ông được đưa ra miền Bắc để chữa trị. Khi biết đôi mắt vĩnh viễn không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng, người thương binh Lê Hữu Trạc bảo ông cũng rất buồn, bởi khi ấy mình còn rất trẻ, mới ở độ tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết.  
Sau gần chục năm được điều động ở các trại dưỡng thương, người thương binh Lê Hữu Trạc quyết định về quê nhà ở xã Xuân Ninh. Ông đã tham gia rất nhiều công tác xã hội, như Hội Cựu chiến binh. Năm 2000, khi Hội người mù tỉnh Quảng Bình thành lập, ông Trạc được bầu vào BCH lâm thời tỉnh hội.
Tại Đại hội người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất, ông được Đại hội bầu làm Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình. Ông luôn gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, động viên hội viên đoàn kết, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông đã trực tiếp tham mưu với các cấp uỷ đảng, chính quyền cơ quan chức năng các cấp để tạo điều kiện giúp đỡ cho cán bộ hội viên hội người mù được học chữ nổi, học văn hoá, học nghề.
Trong nhiều năm, ông tìm cách giúp đỡ và chia sẻ những người có hoàn cảnh như mình, xứng đáng với hình ảnh người lính Cụ Hồ, cả trong thời chiến lẫn thời bình. Thương binh Lê Hữu Trạc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng nhiều bằng khen và giấy khen.Ngày 26/4/2018, ông Lê Hữu Trạc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.
Hồng Hà
TAG: Lê Hữu Trạc
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương