Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Xung quanh bài học giới tính cho trẻ em…
10:00 PM 16/03/2022
LĐXH - Mạng xã hội vừa xôn xao trước thông tin một phụ huynh khi biết con trai của mình tham gia các nhóm kín bàn về các vấn đề nhạy cảm, xem các hình ảnh liên quan đến quan hệ tình dục... đã đập điện thoại và công khai chuyện này lên Facebook. Không dừng lại ở đó, phụ huynh này còn chụp lại cả những hình ảnh nhạy cảm mà con đã xem để công khai lên mạng xã hội nhằm cảnh báo với các phụ huynh khác.

Phản ứng này, suy cho cùng là hành động có phần vội vã, nóng giận tức thời của bậc làm cha mẹ. Điều này cho thấy, hơn bao giờ hết các bậc phụ huynh cần phải trang bị nhiều hơn nữa kiến thức và kĩ năng quản lý cảm xúc trong việc giáo dục trẻ. Và một lần nữa chúng ta phải nhìn nhận rõ hơn về các vấn đề liên quan đến trẻ em đều đã được luật pháp quy định cụ thể. 

Đến thời điểm này, chúng ta phải nhìn nhận là việc trẻ tò mò tìm hiểu những hình ảnh nhạy cảm khi đến tuổi là bản năng hết sức thông thường. Một phần do trẻ em bây giờ phát triển tâm sinh sinh sớm hơn thế hệ trước, hơn nữa, do được tiếp xúc sớm với công nghệ bao gồm cả nội dung tích cực và tiêu cực, tác động của phim ảnh, kể cả trẻ em bị dụ dỗ, lôi kéo trên các hội, nhóm, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Vấn đề chính là bố mẹ với vai trò là người điều khiển nên để ý, quan tâm đến con cái, định hướng giáo dục giới tính cho con.

Khi biết con xem phim “người lớn”, các bậc cha mẹ thường có những phản ứng khác nhau. Ngoài số ít người có thể bình tĩnh ngồi lại chuyện trò, lắng nghe trẻ thì hầu hết phụ huynh sẽ lập tức truy xét, tra hỏi, mắng chửi, thậm chí có những hành vi bạo lực như đánh con, đập máy tính, điện thoại, cấm ra khỏi nhà. Do nhiều bậc cha mẹ đã bỏ qua việc giáo dục giới tính cho con nên ở góc độ nào đó, phim sex, những hình ảnh nhạy cảm trên mạng đã thay họ thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, khi thấy con xem hình ảnh nhạy cảm cha mẹ cần hiểu rằng, con đã lớn.

Trẻ em dễ bị tác động bởi những gì trẻ xem, nghe, đọc được (Ảnh minh họa)

Việc phụ huynh đăng tải câu chuyện của con mình vô tình đã gây tổn hại lớn tới tinh thần của trẻ. Những người xung quanh đặc biệt bạn bè cùng trang lứa sẽ có cái nhìn khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý con trẻ. Trong nhiều trường hợp, không những không bảo vệ được con mà còn khiến con cảm thấy xấu hổ, tự ti, sợ hãi, từ đó nảy sinh các cảm xúc rất tiêu cực như không muốn chia sẻ, ngày càng thu hẹp bản thân mình và cố gắng giữ bí mật về mọi chuyện.

Dưới góc độ pháp lý, việc bố mẹ đưa thông tin, hình ảnh của con lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của con, trong trường hợp đứa trẻ lên 7 tuổi là hành vi bị cấm, theo luật định. Cụ thể, Khoản 11, Điều 6, Luật Trẻ em 2016 nêu rõ: nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Điều 21 quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Nghị định 56/2017/CP quy định chi tiết một số điều của luật Trẻ em cũng giải thích, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: tên tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em... Trường hợp người lớn tự ý đăng tải những thông tin này về trẻ sẽ bị coi là phạm luật.

Tại Điều 31, Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em hoặc trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Các thông tin bao gồm tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Giáo dục giới tính đầy đủ cho trẻ là một trong những giải pháp đồng hành và hữu hiệu để bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ

Trẻ em hiện nay sống trong môi trường mới, cởi mở và ít giới hạn hơn. Để có ứng xử phù hợp, bắt kịp với sự phát triển của con cái, đảm bảo sự phát triển tốt nhất của trẻ, các bậc cha mẹ cần nâng cao trình độ, bồi dưỡng thêm kỹ năng, kiến thức nhằm nuôi dạy, giáo dục con mình một cách tốt nhất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các gia đình Việt, trong khuôn khổ văn hóa hiện nay, đa số vấn đề giáo dục giới tính thường bị coi nhẹ hoặc gia đình ko quan tâm mà chỉ đang phó mặc hoặc kỳ vọng vào kiến thức ở nhà trường. Trong khi đó, giáo dục nhà trường hiện đang có nhiều bất cập ví như không có môn giáo dục tình dục và giáo dục luật pháp tình dục trong hệ thống trường học công lập; nội dung giáo dục giới tính giới thiệu còn chung chung và lồng ghép trong một số môn học…

Theo lời khuyên của ông Nguyễn Trọng An, chuyên gia Bảo vệ chăm sóc trẻ em, các bậc cha mẹ là hãy luôn là bạn thân thiết của con, lắng nghe con nói, theo dõi giám sát con xem gì, đọc gì. Con còn nhỏ thì cha mẹ hãy chuyện trò và hướng dẫn con em mình về mối nguy hại tiềm ẩn trong các video, hãy khuyên bảo trẻ nếu có lo ngại hoặc phát hiện gì lạ cần thông báo ngay với người lớn. Nếu trẻ ở độ tuổi trên 14 tuổi thì hãy hướng dẫn trẻ khi trẻ lựa chọn, sử dụng các kênh giải trí sao cho lành mạnh và an toàn. Đặc biệt nên thường xuyên chuyện trò với con để qua đó biết được con đang quan tâm đên vấn đề gì ở trên mạng mà có định hướng đúng và xử lý kịp thời. Hãy nhớ là không nên tịch thu điện thoại, máy tính bảng của con, có thể dẫn tới phản hồi ngược. Trên thực tế, hiện còn rất nhiều gia đình nghèo, cha mẹ rất bận vào công việc kiếm sống, không có thời gian để chuyện trò, giám sát con cái. Do vậy rất cần thiết phải có mạng lưới đội ngũ cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng. Đội ngũ này được đào tạo có kỹ năng, sẽ hỗ trợ, tư vấn, giáo dục các bậc cha mẹ kiên thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong việc phát hiện sớm, phòng ngừa các vấn đề gây nguy hại đến trẻ em tại cộng đồng và gia đình. Đồng thời, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cung cấp và kiểm soát thông tin mạng, an ninh mạng hãy cần làm tốt nhiệm vụ và đạo đức công vụ./.

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An