Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Xóa bỏ tảo hôn, cơ hội giúp trẻ em gái có một tương lai tốt hơn
04:02 PM 25/10/2016
LĐXH - Tảo hôn là vi phạm quyền con người, giải quyết tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng và quốc gia. Đây là những thông tin được chia sẻ tại Hội thảo quốc gia về tình trạng tảo hôn do Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Bà Trương Thị Mai: "Giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tảo hôn là việc làm cấp thiết"
Đến dự hội thảo có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cùng đại diện các tổ chức quốc tế khác.
Trong bài phát biểu định hướng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh giảm thiểu tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn là một việc làm cấp thiết, cần được quan tâm giải quyết. Qúa trình xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2014, Quốc hội đã thảo luận về tình hình tảo hôn và đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về độ tuổi kết hôn, cụ thể, nam phải đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi trở lên. Luật Trẻ em 2016 quy định tảo hôn là một trong các hành vi bị nghiêm cấm nhằm tạo khung pháp lý cơ bản cho vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng hôn nhân và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” theo đề xuất, tham mưu của Ủy ban Dân tộc. Tuy nhiên, để các chính sách pháp luật đi vào cuộc sống một cách thực chất, cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn còn đang tồn tại như một thách thức sau một thời gian dài đã có quy định của pháp luật, đặc biệt phổ biến trong nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số để có các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ LĐ0TBXH Đào Hồng Lan phát biểu tại hội thảo
Theo đánh giá của Thứ trưởng Đào Hồng Lan, vấn đề tảo hôn, nhìn rộng hơn là suy giảm giống nòi, gây sức ép lên các chính sách an sinh xã hội. Tảo hôn ở lứa tuổi trẻ em được xem như sự vi phạm quyền con người của trẻ em, quyền được sống và phát triển lành mạnh toàn diện, quyền được bảo vệ khỏi bị bóc lột, bạo lực và xâm hại tình dục, đi ngược lại tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã được Việt Nam phê chuẩn năm 1990),  Hiến pháp năm 2013, Luật Hôn nhân gia đình năm 2014. Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi “tổ chức, hỗ trợ, xúi dục và ép buộc trẻ em tảo hôn (Khoản 4 Điều 6 Luật Trẻ em). Tuy nhiên, giải quyết nạn tảo hôn cần có sự phối hợp đồng bộ về trách nhiệm và hành động của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; gắn liền với các biện pháp, chương trình về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng hạnh phúc, truyền thông biến đổi hành vi về bình đẳng giới, thực hiện quyền trẻ em.
Trên thực tế, tảo hôn rất đa dạng và thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, và chính chúng ta vẫn còn những suy nghĩ mặc định về hiện tượng này. Kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15-19 đã kết hôn là 10,3% vào năm 2014. Tuy nhiên, tảo hôn không chỉ xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Bằng chứng cho thấy tỷ lệ tảo hôn cũng cao ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, ở một số xã, tỷ lệ tảo hôn là trên 50%. Trong số các cộng đồng dân tộc thiểu số, người Mông có tỷ lệ tảo hôn cao nhất (33%), tiếp theo là người Thái (23%). Tảo hôn cũng ảnh hưởng đến trẻ em trai nhưng ở mức thấp hơn so với trẻ em gái. Tảo hôn liên quan chặt chẽ đến các cấp độ phát triển kinh tế-xã hội thấp. Các tỉnh có Chỉ số Phát triển con người cao hơn thì thường có tỷ lệ tảo hôn thấp hơn.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng nhất quan điểm tảo hôn là một vấn đề phức tạp - không có một can thiệp duy nhất nào có thể giải quyết được vấn đề, mà đòi hỏi chúng ta phải có một cách tiếp cận đa ngành, đa bên. Quy mô của vấn đề đòi hỏi các Bộ ngành, đoàn thể vào cuộc cùng sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng cùng nhau hành động. “Tất cả chúng ta cần phải chung tay để trả lại cho trẻ em sự lựa chọn, giấc mơ, tương lai và tuổi thơ”, như lời Trưởng đại diện UNFPA Astrid Bant khẳng định.
Đây là Hội thảo quốc gia đầu tiên thảo luận về các cơ hội, khoảng trống và thách thức về tình trạng tảo hôn ở Việt Nam, được tổ chức vào đúng thời điểm tròn một năm sau khi công bố Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tăng cường công tác thu thập và phân tích số liệu về trẻ em gái cũng như giải quyết các vấn đề cản trở sự phát triển của trẻ em gái đóng vai trò hết sức quan trọng giúp đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Việc phê chuẩn các Mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm mục tiêu xóa bỏ tảo hôn, sẽ đem lại cho chúng ta một cơ hội mang tính lịch sử - đó chính là cơ hội giúp trẻ em gái có một tương lai tốt đẹp hơn.
Đăng Doanh
 
 
TAG:
Tin khác
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật
Thành phố Long Xuyên: Đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn