Qua hơn 5 năm triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 tỉnh Phú Yên, các chỉ tiêu thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực đều đạt được những kết quả khả quan, vai trò và vị thế của chị em ngày càng được khẳng định và được ghi nhận ở cả gia đình và xã hội.
Đặc biệt, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ góp phần nâng cao tỉ lệ cán bộ nữ tham chính. Từ năm 2012 đến nay tỉnh đã bổ nhiệm 13/23 đồng chí lãnh đạo, chiếm tỉ lệ trên 56% cán bộ nữ giữ cấp Phó ở các Sở, ngành và tương đương, nâng tổng số nữ cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương ở các Sở, ban, ngành là 30/161 đồng chí, chiếm tỷ lệ 18,6%. Công tác quy hoạch cán bộ nữ được chú trọng, nâng cao về chất lượng, bảo đảm số lượng, cơ cấu theo quy định. Trong các kỳ đại hội Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, số cán bộ nữ tham gia cấp uỷ 03 cấp nhiệm kỳ 2015-2020 tăng so với nhiệm kỳ trước; số nữ đại biểu Quốc hội khoá XIV chiếm 16,6%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2004-2011.
Tuyên truyền chính sách, pháp luật cho chị em phụ nữ dân tộc
Thông qua các chương trình, hoạt động giải quyết việc làm, mỗi năm toàn tỉnh tỉnh có khoảng 25.000 lao động được tạo việc làm mới, trong đó có 48,5% là lao động nữ và tổng số lao động nữ được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ khá cao, 40% (năm 2016). Nhiều chị em thể hiện khả năng lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trở thành những doanh nhân tiêu biểu, góp phần tạo được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu và nội dung về bình đẳng giới cũng được chú trọng thực hiện ở các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và du lịch... Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh Phú Yên còn quan tâm đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Hoạt động tuyên truyền về giáo dục truyền thống gia đình, đời sống văn hóa được đẩy mạnh thường xuyên và có chiều sâu.
Để thực hiện tốt mục tiêu tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ, theo đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, cùng với tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới, các sở, ngành, địa phương cần phải tích cực hơn trong việc lồng ghép giới trong xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương, đơn vị. Đồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cần phải được đẩy mạnh hơn nữa trong nhân dân, làm thay đổi nhận thức, tư duy về vấn đề này nhất là ở nam giới. Đặc biệt, chị em phải tự tin nỗ lực vươn lên, phát huy tài năng, trí tuệ của bản thân... Qua đó góp phần xóa bỏ những rào cản, bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái đang đối mặt; đảm bảo tốt hơn nữa các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái, thúc đẩy sự bình đẳng và tiến bộ của xã hội.
Cần đẩy mạnh hơn nữa nội dung giáo dục bình đẳng giới vào nhà trường từ sớm để mỗi trẻ em lớn lên đều có nhận thức giới rõ ràng
Trên cơ sở đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giới, ở cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, trong đó giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Hưởng ứng Tháng hành động, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Phú Yên, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm đánh thức mỗi người dân suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững. Đó phải là một xã hội mà mỗi người cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình. Trước thực tế đó, chúng ta càng khẳng định rằng chỉ có thực hiện bình đẳng giới mới chính là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái./.
Đăng Doanh