Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững
07:34 PM 06/08/2019
(LĐXH) Sáng ngày 6/8, tại Hà Nội diễn ra “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”, bao gồm bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng.
Sự kiện do Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa Doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động lan tỏa vào đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình, là hồn cốt của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến người tiêu dùng và cộng đồng. Việc này giúp doanh nghiệp vừa có doanh thu, lợi nhuận, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội.

Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng Ban tổ chức 248 phát biểu khai mạc Hội nghị

Văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh. Sự kiện cũng là nhịp cầu nối để doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối cơ hội giao thương.
Trong một doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, văn hoá, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội… tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá, việc xây dựng văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia uy tín, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nhân, doanh nghiệp và đại diện các nhãn hiệu, thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của TP Hà Nội tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ; các ngành, lĩnh vực tiếp tục phát triển. GRDP theo cách tính mới tăng 7,21%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7%; Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5%, trong đó, khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% (khách quốc tế có lưu trú 2,34 triệu lượt, tăng 7,8%, tổng thu từ khách du lịch đạt 50,3 nghìn tỷ đồng; TP tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hiện số doanh nghiệp: Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị
Cùng với đó các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, việc đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm tinh thần mến khách, thân thiện, phát huy niềm tự hào của nhân dân Thủ đô mà tâm điểm là công tác tổ chức phục vụ các Hội nghị, sự kiện lớn đã thu hút được sự quan tâm của cả nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, TP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ tiêu về danh hiệu văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy của cá nhân trong tổ chức.
Tại diễn đàn, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung nêu bật vai trò, vị trí của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; sự cần thiết cũng như những giải pháp đặt ra trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân trong bối cảnh hiện nay. Trong đó nếu thiếu yếu tố văn hoá, doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại được, đặc biệt trong thời buổi hội nhập. Không chỉ ở bên ngoài mà nó thấm sâu vào quan hệ doanh nghiệp với bạn hàng, khách hàng với cơ quan quản lý nhà nước. 

Ông Josep Lee, Koica - Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa

doanh nghiệp của Tập đoàn Samsung

Nói tới doanh nhân thì đương nhiên phải nói tới doanh nghiệp, nghĩa là văn hoá doanh nhân và doanh nghiệp. Do đó, đây là khái niệm song hành giữa văn hoá doanh nhân và văn hoá doanh nghiệp. Các doanh nhân muốn phát triển bền vững phải tuân thủ chuẩn mực về đảm bảo sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển cộng đồng.
Theo bà Bùi Nguyễn Phương Châu - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn FPT: “Tôn, đổi, đồng, chí, gương, sáng” là 6 chữ xuyên suốt trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp FPT. FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần. Kim chỉ nam trên đã đưa FPT trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, từ con số nhân sự hơn 10 người (năm 1988) thời điểm thành lập, đến nay con số nhân sự ở FPT là 36.000 người với doanh thu 23.214 tỷ đồng.

Lễ ký kết kế hoạch phối hợp giữa BTC 248 và 9 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng

Theo đại diện Tập đoàn Samsung, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tùy thuộc vào quy mô, mục tiêu, tính sở hữu… Làm thế nào để có thể xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhờ vào tinh thần doanh nghiệp và tinh thần lãnh đạo. Trong đó, lãnh đạo cần chia sẻ chung tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả các nhân viên, hướng mọi hành vi của tất cả nhân viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng, văn hóa doanh nghiệp có rất nhiều nội hàm, trong đó thương hiệu của doanh nghiệp chính là một phần cốt lõi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình tới cùng. Mỗi doanh nghiệp có một văn hóa riêng dựa trên phong cách của người lãnh đạo. Văn hóa quan trọng nhất của một doanh nghiệp cần có đó là chữ “Tín” trong quản lý. Thương hiệu và văn hóa doanh nghiệp đi song song với nhau, nếu có thương hiệu tốt sẽ là tiếng vang để doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay chưa tương xứng với tầm quan trọng và vai trò của nó. Còn nhiều doanh nghiệp chưa biết đến, hoặc chưa thực sự tham gia vào Cuộc vận động. Còn nhiều doanh nghiệp làm văn hóa doanh nghiệp không theo chuẩn, mang tính phiến diện, đối phó hoặc nặng về tính hình thức nên ít tác dụng và hiệu quả thấp.
Mọi thứ đều có thể sao chép, trừ văn hóa doanh nghiệp. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp đã và đang khẳng định được vai trò phát triển doanh nghiệp. Phát triển văn hóa doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững. Để văn hóa doanh nghiệp đi vào thực chất, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề này, trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Việt Nam cần xây dựng chuẩn quốc gia mới hội tụ những điều tốt đẹp của cả văn hóa truyền thống. Xây dựng cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp định hướng phát triển theo. Đổi mới và thay đổi văn hóa quản lý, đặc biệt là văn hóa cán bộ, tôn vinh văn hóa doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp (gọi tắt là Ban chỉ đạo 248) đã công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai cuộc vận động của Ban chỉ đạo 248 với 9 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hàng năm là Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và giao cho Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp chủ trì tổ chức triển khai. Trước đó, Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được chính thức phát động trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội vào ngày 7/11/2016, tại lễ công bố Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
'Loạn giá' pháo hoa Z121 trên chợ mạng
Laptop màn hình cuộn của Lenovo có giá gần 90 triệu đồng
Toyota Wigo phiên bản số sàn ngừng phân phối tại Việt Nam
Vinamilk phục vụ miễn phí sản phẩm cho người dân check-in tại các ga metro Bến Thành – Suối Tiên
Bất động sản công nghiệp 'bứt phá' nhờ công nghệ cao và bán dẫn
Thực hư thông báo 'thu thuế thương mại điện tử 10%'
Trồng hoa giấy mùa Tết, 'bỏ túi' cả trăm triệu đồng
Vì sao bị điều tra kho hàng hơn 20 tỷ đồng, Mailystyle vẫn livestream bán hàng?
Chi 3.550 tỷ đồng làm KCN ở Hải Phòng: Ai đứng sau Idico Vinh Quang?